Mỗi dịp gần đến Tết Trung thu là ngôi nhà của anh Nguyễn Đức Sinh, tổ 3, phường Trưng Vương (T.P Thái Nguyên) lại tràn ngập những chiếc đèn ông sao, đèn kéo quân to nhỏ, sặc sỡ màu sắc khác nhau. Có chiếc đã được hoàn thiện, chiếc đang dán rèm, chiếc đang dán giấy bóng màu, có chiếc thì buộc thêm mấy chiếc nơ xinh xắn…
Cầm trong tay chiếc đền ông sao đang hoàn thiện nốt công đoạn dán riềm, anh Sinh trò chuyện: Thủa nhỏ, mỗi dịp Trung thu, tôi thường tự làm cho mình một chiếc đèn ông sao để mang đi rước cùng với các bạn trong khu phố. Do đèn được buộc bằng chỉ nên chiếc đèn cứ “gật gù” mỗi khi có cơn gió hoặc có ai đó crạm vào. Mặc dù không đẹp, sặc sỡ sắc màu như đèn bán ở chợ do dán bằng giấy hóa đơn bán hàng, giấy pơluya nhưng với tôi chiếc đèn đó đã mang lại niềm vui và nhièu ý nghĩa trong suốt những năm tháng tuổi thơ, trở thành kỷ niệm đẹp trong đời. Tuổi thơ làm đèn cho mình, cho bạn, đến khi trưởng thành lấy vợ lại làm đèn cho các con. Cho đến năm 1990, trong khi đi bán bóng bay cùng với cậu em họ, tôi mới có ý định làm đèn ông sao để bán trong mỗi dịp Trung thu đến. Khách hàng đầu tiên mua chiếc đèn của tôi là một cặp vợ chồng trẻ có một cậu con trai chừng 3 tuổi. Nhìn cháu bé cầm chiếc đèn giơ lên ngắm nghía thích thú, tôi thấy mình như đang trở về với tuổi thơ ngày nào… Chiếc đèn ông sao rực rỡ sắc màu được gắn lá cờ Tổ quốc ở phía trên sẽ góp phần giáo dục cho các em lòng yêu quê hương đất nước, yêu truyền thống văn hóa của dân tộc. Nhìn thì đơn giản nhưng để làm được một chiếc đèn ông sao chắc chắn, đẹp mắt, phù hợp với sở thích của con trẻ, người làm cũng phải kiên trì, tỉ mỉ.
Đôi tay anh nhẹ nhàng quệt hồ dán lên từng đường cong của khung đèn sao, khéo léo căng giấy bóng kính màu dán chặt lấy khung rồi nhẹ nhàng cắt chỗ giấy thừa. Sau đó anh hoàn thiện chiếc đèn bằng công đoạn dán riềm, trang trí và tra cán. Anh cầm chiếc đèn lên rồi nói với chúng tôi: Để có một chiếc đèn chắc chắn, đẹp, tôi phải trực tiếp đi lựa chọn những cây tre, nứa đạt tiêu chuẩn trước một tháng, sau đó tranh thủ những buổi trưa đem ra cắt khúc theo kích cỡ, chẻ khung và hoàn tất khung sao trước. Đến đầu tháng 8, tôi mới bắt đầu công đoạn dán giấy bóng, trang trí, tra cán để kịp cho khách đặt hàng lấy. Thời gian làm một đèn ông sao to cỡ 2,5m mất 2 ngày và trung bình 1 ngày làm được 5 chiếc đèn cỡ 40cm. Đèn ông sao kích cỡ 40cm mất 6 đến 7 nghìn đồng, bán được từ 10 đến 15.000 đồng; cỡ đèn 2,5m bán ra khoảng 250.000 đồng. Riêng với đèn kéo quân, gia đình anh bắt đầu làm từ 2008. Đèn kéo quân loại nhỏ anh làm cánh dạng mô bin tản nhiệt theo luật khí động học, khi đốt nến đèn tự quay, còn đèn to anh gắn thêm mô tơ quay và bóng điện. Giá bán dao động của một đèn kéo quân cỡ 60cm khoảng 250 đến 300.000đồng; loại 2m giá từ 1,8 đến 2 triệu đồng. Trung bình mỗi dịp Tết Trung thu, gia đình anh bán được khoảng 500 chiếc đèn, trong đó có 50 chiếc đèn kéo quân, trừ chi phí thu về 7 đến 8 triệu đồng tiền lãi. Với anh, ngoài thêm nguồn thu nhập, còn có ý nghĩa là giữ gìn bản sắc, truyền thống dân tộc. Những đồ chơi giản dị, mộc mạc không chỉ mang lại niềm vui phá cỗ trông trăng đêm Rằm còn giáo dục truyền thống văn hóa Việt.
Trong xã hội hiện đại, khi mà đồ chơi độc hại, mất an toàn đang bị phê phán nhiều thì những đồ chơi truyền thống do anh Sinh và những người thợ thủ công khác làm ra cần được gìn giữ, phát huy.