Niềm tự hào dân tộc mãi mãi được tôn vinh

08:55, 08/09/2010

Ngày 3/9, tại Thủ đô Hà Nội, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức Lễ công bố Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ Nhất. Tại buổi lễ, có nhiều tác phẩm nổi tiếng đi cùng năm tháng được các nghệ sĩ biểu diễn, trong đó tác phẩm “Vinh quang hồn dân tộc” - lời thơ Phạm Xuân Đương, phổ nhạc Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam - lần đầu tiên được công bố trên phạm vi cả nước, đã đem lại nhiều cảm xúc trong công chúng. Để hiểu kỹ hơn về tác phẩm này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với tác giả Phạm Xuân Đương.

 

P.V: Xin Anh cho biết, xuất phát từ đâu tác phẩm “Vinh quang hồn dân tộc” được ra đời?

 

Tác giả Phạm Xuân Đương (PXĐ): "... Trải theo chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã làm nên những chiến thắng hiển hách trong chống giặc ngoại xâm, ghi tên trong lịch sử nhân loại. Nhiều người con đất Việt theo Đảng, Bác Hồ để giải phóng dân tộc và bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc đã ngã xuống trên khắp mọi miền của đất nước. Đó là nền tảng tinh hoa văn hóa Việt Nam.

 

Thái Nguyên - mảnh đất giàu truyền thống cách mạng. Qua các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, Thái Nguyên cũng là tâm điểm phá hoại của chủ nghĩa đế quốc. Trong những cuộc trường chinh gian khổ ấy, đất nước đã sản sinh ra nhiều tấm gương anh dũng chiến đấu quên mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Cùng với các Anh hùng liệt sĩ của cả dân tộc qua các cuộc trường chinh, trong đó có 10 chiến sĩ thanh niên xung phong đã hy sinh anh dũng tại Ngã ba Đồng Lộc, 60 thanh niên xung phong thuộc Đại đội Thanh niên xung phong 915 Bắc Thái đã anh dũng hy sinh do trúng bom giặc Mỹ trong khi đang làm nhiệm vụ trung chuyển hàng hóa ra tiền tuyến. Những sự hy sinh anh dũng ấy vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc đã trở thành hồn thiêng dân tộc mà chúng ta có thể tự hào đó chính là: "Vinh quang hồn dân tộc" - cũng là tên của bài thơ do tôi sáng tác. Có lẽ với sự cảm động, biết ơn, kính phục những con người như thế và từ niềm tự hào dân tộc đã thôi thúc đông đảo công chúng sáng tác các tác phẩm văn thơ..."

 

P.V: Là nhà chính trị và quản lý, vậy khi làm thơ chắc Anh phải có trong mình những cảm xúc văn chương?

 

Tác giả PXĐ: "... Làm chính trị hay quản lý thì đều chiếm rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, có những phút chốc để cho tâm hồn được thoát ra khỏi công việc hoặc bất chợt tư duy về một điều gì đó bí quá chưa nghĩ được thì tôi lại làm mấy câu thơ. Làm thơ cũng không phải là sở thích nhưng trong tôi luôn sẵn có những tư duy về cuộc sống, về công việc, có lẽ chính ở chỗ đó mà thơ tuy không hay nhưng chứa đựng những đời thường như có cả nhạc trong đấy; vì thế mà thơ phải bắt đầu từ vốn sống, từ cảm xúc trước những biến cố, thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, sự cô đọng những tinh túy trong cuộc sống để làm chất liệu cho thơ... Hội tụ những điểm đó, tôi nghĩ thơ sẽ đi vào lòng người, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống và là động lực để mọi người học tập, lao động, cống hiến tốt hơn cho xã hội, đất nước..."

 

P.V: Vậy, duyên cớ nào tác phẩm của Anh được phổ nhạc và được Hội Nhạc sĩ Việt Nam lựa chọn để biểu diễn tại Lễ công bố Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ nhất?

 

Tác giả PXĐ: "...Từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, qua hơn nửa thế kỷ hoạt động, các thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu lý luận, phê bình âm nhạc, các nhà sư phạm âm nhạc Việt Nam đã có nhiều đóng góp to lớn cho nền âm nhạc nước nhà, góp phần quan trọng gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc, bảo tồn và phát triển nền âm nhạc Cách mạng Việt Nam. Tôi bất ngờ gặp nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, khi đưa cho anh ấy bài thơ tôi đã viết từ tâm trạng tri ân với hồn dân tộc của đất nước, ngay lập tức nhạc sĩ đã hòa quện với nhà thơ, thổi hồn vào tác phẩm chắp cánh bay lên. Và tôi cũng rất bất ngờ khi biết tin bài hát lại được Hội Nhạc sĩ Việt Nam chọn biểu diễn trong Lễ công bố Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ nhất. Đó là một điều vinh dự lớn mà tôi nghĩ đã được hương hồn các Anh hùng liệt sĩ chấp nhận..."

 

P.V: Anh trở thành nhà thơ và có nhiều tác phẩm được phổ nhạc thành bài hát được xã hội công nhận. Vậy, Anh có kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo như thế nào để khuyến khích giới văn học nghệ thuật tỉnh nhà có nhiều tác phẩm có giá trị?

 

Tác giả PXĐ: "...Đó là các chính sách của Đảng và Nhà nước, công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ nhằm: Phát triển và gìn giữ nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là trách nhiệm của các cấp, các ngành, của mỗi người, đặc biệt đối với giới hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật thì đây là môi trường tốt để sáng tác. Tôi tin rằng với truyền thống yêu nước, yêu quê hương và bản sắc văn hóa dân tộc… các nhà thơ, nhạc sĩ và nhân dân sẽ có nhiều tác phẩm hay có giá trị đáp ứng lòng mong mỏi của công chúng..."

 

P.V: Xin cảm ơn Anh!