Hàng nghìn cuốn sách đặc sắc về văn hóa dân gian được phát miễn phí là kết quả của dự án “Công bố và phổ biến văn hóa dân gian của các dân tộc Việt Nam” do Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam thực hiện từ năm 2008.
GS.TS. Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, khẳng định trong buổi họp báo hôm 31/8: “Sách sẽ được phát hành miễn phí tới các thư viện từ trung ương đến địa phương, trường đại học, viện nghiên cứu, đồn bộ đội biên phòng, hải đảo, trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức quốc tế có liên quan đến văn hóa đang đóng tại Việt Nam như UNESCO, UNICEF”.
Ông Tô Ngọc Thanh cho biết, dự án đã được Chính phủ phê duyệt, với mục đích chọn lọc khoảng 2.000 công trình văn hóa tập hợp thành sách sưu tầm, nghiên cứu. Trong giai đoạn đầu từ 2008 đến 2012, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam dự định nghiên cứu khoảng 1.000 công trình. Năm 2009, Hội đã xuất bản sách về 100 công trình, năm 2010 dự định xuất bản 200 công trình.
Các công trình thuộc các lĩnh vực tri thức và kinh nghiệm đời sống nông nghiệp của người Việt Nam; phong tục dân gian; các nghi lễ vòng đời như cưới xin, sinh đẻ, tang lễ; tín ngưỡng, tôn giáo; các thành tựu văn hóa văn nghệ. Mỗi công trình là thành quả sưu tập tư liệu, nghiên cứu sâu về một thể loại, một hoạt động văn hóa văn nghệ dân gian... Các cuốn sách đều có bảng tóm tắt bằng tiếng Anh ở cuối.
Những tác phẩm tiêu biểu bao gồm: Biểu trưng ca dao tục ngữ người Việt, Văn hóa dân gian Tày - Nùng ở Việt Nam, Ví giao duyên “nam nữ đối ca”, Tìm hiểu về câu đố người Việt, Thiên nhiên trong ca dao trữ tình đồng bằng Bắc Bộ…
Mục đích của dự án là góp phần bảo tồn và quảng bá các giá trị văn hóa văn nghệ dân gian phong phú, độc đáo của 54 dân tộc Việt
Tại buổi họp báo, ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch đã tận tay trao tặng sách cho 9 đơn vị bao gồm Văn phòng Chính phủ, Thư viện Quốc gia, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng…
Sau khi nhận sách, ông Phạm Quang Điền, Phó Chủ nhiệm Nhà văn hóa Bộ đội biên phòng phát biểu: “Đây là món quà hết sức ý nghĩa đối với bộ đội biên phòng chúng tôi. Những người chiến sĩ ở biên giới cần hiểu được văn hóa các vùng miền để đến được với lòng dân”.