Sẽ về Thủ đô

07:43, 01/10/2010

Nghe bài hát này, ai cũng thấy đó là những cảm xúc thật đẹp, tươi rói trong hoài niệm về một Thủ đô yêu quý với những cảnh sắc bình dị, nên thơ, đã trở nên thân thương với tác giả và biết bao người.

   

Đó là mùa đông năm 1947, nhạc sĩ Huy Du được cử về làm Đoàn trưởng Đoàn Tuyên truyền văn nghệ của Bộ Tư lệnh Liên khu 3 (vùng đồng bằng và duyên hải Bắc bộ). Tại đây, ông gặp lại nhiều bạn bè văn nghệ, trong đó có những tên tuổi như Doãn Mẫn, Canh Thân, Vũ Trọng Hối, Quốc Viễn, Nguyễn An… Trong ông bỗng trỗi dậy nỗi nhớ da diết Hà Nội - mảnh đất tuy không sinh ra nhưng ông gắn bó từ năm lên 2 tuổi đến lúc khoác ba lô đi kháng chiến (ông là người gốc ở Tiên Du, Bắc Ninh).

 

Huy Du nhớ lại: Mùa đông năm 1946, ngày 19/12, vừa tròn 20 tuổi, ông lên đường cầm súng nhập vào đoàn quân vệ quốc đi kháng chiến. Vậy là đã được 1 năm. Hà Nội lúc ông ra đi lửa khói ngút trời, và phút này (1947) đang tạm bị giặc chiếm. Nhưng trong trái tim ông đã cháy bỏng niềm hy vọng, lạc quan về một chiến thắng không xa. Khi ấy, đoàn quân cách mạng sẽ trở về, giành lại Thủ đô yêu dấu. Từ cảm xúc mãnh liệt đó, ông đã viết bài hát “Sẽ về Thủ đô” tại mảnh đất Liên khu Ba.

 

Rất dễ hiểu, vì sao mở đầu bài hát, Huy Du tạo nên đoạn nhạc A có giai điệu rất đẹp, mơ mộng, dàn trải với tiết tấu chậm rãi và sắc thái tình cảm được ghi là “tha thiết”:

 

“Ai về Thủ đô tôi gửi vài lời

 

Tây Hồ mờ xa là nhà tôi đó

 

Đây chợ Đồng Xuân bên dòng Nhị Hà

 

Đi học về qua luôn hát vui ca”.

 

Vâng, đó là một nỗi nhớ nhà, nhớ Thủ đô - nơi ông sống từ năm 2 tuổi với một núi kỷ niệm của tuổi thơ và tuổi trẻ. Ở tuổi 21 (năm 1947), chàng trai rất đỗi thư sinh, hào hoa phong nhã, có nỗi nhớ thật êm đềm, ngọt ngào mà thống thiết đã tạo nên những nốt nhạc thật hay để diễn tả tâm trạng mình. Hồi ấy, khi bài hát mới ra đời đã bị coi là quá ướt át, tiểu tư sản, không có lợi cho việc ra đi kháng chiến, nhất là ông lại cho nhắc lại đoạn A này bằng lời thứ 2:

 

“Đây hồ Hoàn Gươm bên nhịp cầu hồng

 

Khi chiều dần buông tôi hay qua đó

 

Hoa phượng hè vui in đỏ đường dài

 

Tô đậm lòng tôi năm tháng khôn nguôi…”

 

Tuy nhiên, giờ nghe lại, ai cũng thấy đó là những cảm xúc thật đẹp, tươi rói trong hoài niệm về một Thủ đô rất đỗi yêu quý với những cảnh sắc bình dị mà nên thơ, đã trở nên thân thương với tác giả và biết bao người.

 

Trong lý thuyết sáng tác ca khúc, nếu là thể 2 đoạn thì sau đoạn A, bắt buộc phải có đoạn B với tiết tấu khác hẳn, người ta vẫn gọi là “đối tỉ” để tránh sự nhàm chán (monotone). “Sẽ về Thủ đô” mẫu mực cho lý thuyết này. Nếu đoạn A vừa dẫn ở trên chỉ hoàn toàn là chuỗi nốt đen liên tiếp rồi ngân dài ở cuối câu thì sang đoạn B, Huy Du đã cho xuất hiện đan xen nhiều nốt móc đơn có chấm đôi đi liền sau là móc kép (chấm dật) để biểu hiện không khí chiến đấu, sôi sục, khẩn trương.

 

Bức tranh bằng âm thanh quả là đã “vẽ” nên một Thủ đô kháng chiến rất sinh động tương tự như không khí khói lửa trong “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi cũng được sáng tác năm 1947. Nếu đoạn A dàn trải, mơ mộng, nhớ nhung bao nhiêu thì đoạn B tiết tấu lại được co lại thành những tiết nhạc ngắn bấy nhiêu:

 

“Đô thành kháng chiến, sôi sục phố phường!

 

Sông Hồng kia dâng sóng cùng quê hương

 

Lên đường kháng chiến, tiêu diệt quân thù

 

Năm cửa ô reo bước quân ca vang…”.

 

Có người đã phân tích rạch ròi là đoạn A (mở đầu) bài hát là lãng mạn tiểu tư sản, còn đoạn B (vừa dẫn trên) là hiện thực kháng chiến, là anh hùng ca. Kể ra, nói vậy cũng không sai nhưng thưởng thức một bài hát ngắn (balade) thiết nghĩ chẳng nên mổ xẻ rạch ròi như vậy. Cảm xúc của tác giả là nhất quán. Đó là tình yêu Thủ đô mãnh liệt, cháy bỏng, dẫn tới quyết tâm kháng chiến thắng lợi để mong một ngày gần nhất “Sẽ về Thủ đô”.

 

Mạch cảm xúc này không chỉ có ở Huy Du mà còn có chung ở các văn nghệ sĩ kháng chiến lúc đó, được thể hiện qua nhiều tác phẩm thuộc đủ mọi chủng loại văn nghệ (thơ, văn, kịch, hội họa…) và Văn Cao trong ca khúc nổi tiếng “Tiến về Hà Nội” cũng có cùng một cảm xúc như Huy Du, cũng hình dung tới ngày trở về Thủ đô trong khúc khải hoàn hoành tráng.

 

Huy Du là nhạc sĩ lớn, là một trong cây đại thụ của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Ông đã không còn sống để cùng chúng ta đón những ngày tháng 10 lịch sử gắn liền với Thủ đô 1000 năm tuổi. Nhưng “Sẽ về Thủ đô” cũng như hàng trăm bài hát nổi tiếng khác của ông thì vẫn còn mãi. Theo thời gian, dường như sức sống các tác phẩm của ông càng mạnh mẽ, càng phát huy tác dụng trong đời sống tinh thần của nhiều thế hệ công chúng.

 

Điều thú vị cần nói nữa là “Sẽ về Thủ đô” cũng như nhiều ca khúc khác của Huy Du đều có thể được biểu diễn dưới rất nhiều hình thức: đơn ca, song ca, hợp ca, đồng ca, hợp xướng (4 bè). Đó chính là vì yếu tố hòa thanh trong giai điệu của ông rất phong phú, luôn gợi ý tốt cho những người dàn dựng mặc sức tưởng tượng, tư duy thêm.

 

Sự xưa cũ hay mới mẻ của nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng không ở thời điểm ra đời mà ở tài năng của người sáng tác. Đã trên 60 năm, nhưng nghe lại “Sẽ về Thủ đô” ta có cảm giác những gì nhạc sĩ đem lại cho người nghe vẫn tươi rói, không hề bị thời gian làm xói mòn./.