Bài ca người giáo viên nhân dân

16:14, 19/11/2010

Đã mấy chục năm nay, cứ vào dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) khắp nơi trên cả nước lại vang lên một bài hát rất đỗi quen thuộc: “Trên khắp nẻo đường của Tổ quốc xanh tươi, có những loài hoa luôn đậm đà sắc hương, có những bài ca nghe rạo rực lòng người. Bài ca ấy, loài hoa ấy đẹp như em, người giáo viên nhân dân…”. Đó là lời bài hát “Bài ca người giáo viên nhân dân” của Hoàng Vân.

 

Đây là bài hát nổi tiếng nhất viết về đề tài sư phạm từ trước đến nay. Nhạc sĩ Hoàng Vân kể về sự ra đời của bài hát: Vào đầu những năm 70 của thế kỷ trước, hình ảnh các thầy cô giáo, mái trường trong suy nghĩ của mọi người luôn rất đẹp. Các thầy cô luôn hết lòng vì học sinh. Hầu như nhà trường không có những vụ việc tiêu cực. Cũng chính vì thế mà trở thành giáo viên là ước mơ của nhiều học sinh.

 

Ngành giáo dục khi ấy luôn kêu gọi giới nhạc sĩ sáng tác bài hát về một đề tài rất cần nhiều bài hay nhưng hiện đang thiếu. Nhạc sĩ Hoàng Vân đã hưởng ứng. Không hẳn là dự cuộc thi sáng tác nào. Ông muốn ca ngợi, tôn vinh những cô giáo trẻ, mới ra trường, mới bước lên bục giảng, còn ít tuổi nhưng sớm phải gánh vác trọng trách “trồng người” - một công việc đòi hỏi có tâm, trí rất cao và một tình yêu lý tưởng, cuộc sống cháy bỏng.

 

Để hoàn thành bài hát đúng ý định dành cho các cô giáo trẻ, nhạc sĩ đã lựa chọn một giai điệu rất trẻ trung, tươi mát, với tiết tấu sôi nổi, vui tươi, pha chút nhí nhảnh. Lời ca cũng rất phù hợp với công việc của các cô luôn gắn với học sinh: “Tâm hồn em tươi mát xanh như tán lá bàng, trái tim em đỏ nhiệt tình như hoa phượng vĩ”. “Lá bàng” là biểu tượng của tuổi thơ, “hoa phượng vĩ” luôn gắn với tuổi học trò. Tâm hồn mát xanh, trái tim đỏ rực, đó là một tình yêu cuộc sống, nghề nghiệp nhạc sĩ muốn nhắn nhủ đến các cô giáo trẻ - đối tượng đề cập của bài hát.

 

Với “Bài ca người giáo viên nhân dân”, tác giả không có ý muốn miêu tả công việc cùng những nghĩ suy, trăn trở của giáo viên nói chung mà chỉ muốn khắc họa đôi nét, chủ yếu là cảm xúc, trạng thái vui tươi, yêu đời của một đối tượng cụ thể: những cô giáo trẻ. Bởi vậy, ta không thấy nét trầm mặc, sâu lặng của giai điệu mà thay vào đó là sự hồn nhiên, trong sáng của một điệu trưởng với tiết tấu hơi nhanh (allegretto) rất phù hợp với nội dung văn học biểu hiện trong lời ca.

 

Nhạc sĩ Hoàng Vân cũng cho biết: ông hoàn thành bài hát khá nhanh, viết một mạch chỉ trong vòng một vài giờ. Sau đó cũng không phải chỉnh sửa nhiều (không phải bài hát nào của ông cũng ra đời như thế).

 

Ngày ấy, nhạc sĩ ở tuổi ngoài 40 (ông sinh năm 1930), đang rất sung sức, luôn đi nói chuyện bài hát trước nhiều đối tượng công chúng. Đến một số trường học, ông đã hát bài này cho nhiều giáo viên, học sinh nghe, lập tức nhận được sự hưởng ứng của số đông người. Thế là bài hát tự nhiên được lan truyền trong giới sư phạm, trước khi chính thức được thu thanh sóng đài phát thanh.

 

Người đầu tiên hát bài này rất thành công này là ca sĩ Mỹ Bình. Từ đó, bài hát trở nên rất phổ biến. Trong những hội diễn, liên hoan văn nghệ ngành giáo dục, “Bài ca người giáo viên nhân dân” có khi được tới dăm, bảy diễn viên cùng hát trên sân khấu.

 

Có lần, người viết bài này tình cờ gặp một cô giáo trẻ, người Hà Nội, mới ở tuổi 25 đang dạy học tại Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh). Cô sống tại khu tập thể trong trường dành cho những giáo viên xa nhà. Khi được hỏi: “Cô người Thủ đô, không có bất cứ họ hàng thân thích nào ở đây, tại sao cô lại đồng ý đi dạy ở nơi xa nhà như thế này?”. Cô trả lời: “Em rất yêu nghề dạy học. Thi đỗ vào trường sư phạm, nhà trường yêu cầu viết cam đoan học xong phải chấp nhận sự phân công của tổ chức đi dạy ở bất cứ đâu, nếu không sẽ phải đền bù công đào tạo của trường suốt 4 năm học. Vậy là em ra đây công tác”. Lại hỏi tiếp: “Cô yêu nghề sư phạm vì nhận thức được ý nghĩa của công việc hay vì một điều gì khác?” Cô trả lời: “Hồi học phổ thông, em đặc biệt thích bài hát “Bài ca người giáo viên nhân dân” nên quyết định thi vào sư phạm để được trở thành cô giáo trẻ như bài hát nói đến”.

 

Một bài hát hay đã có sức tuyên truyền, thôi thúc người ta hành động hơn bất cứ lời giáo huấn, hiệu triệu, mệnh lệnh nào là như thế.