Cuộc trưng bày HIV/AIDS tại Bảo tàng Dân tộc học đã khắc họa một cách sinh động về thực tế vấn đề HIV/AIDS ở Việt Nam.
Triển lãm về HIV/AIDS tại Bảo tàng Dân tộc học được sự quan tâm của đông đảo công chúng, chỉ sau 1 ngày mở cửa đã thu hút được gần 1000 khách tham quan, phần đông là các bạn trẻ.
Khách tham quan đã được chứng kiến những kỷ vật của người bị nhiễm HIV/AIDS để lại, những tâm sự của người đang sống và đã chết vì “H” qua thư, video clíp, radio, những hiện vật… Triển lãm đã lôi cuốn người xem từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Người xem không khỏi xúc động trước “Con lợn tiết kiệm tiền để làm giỗ bố mẹ” của bé Nguyễn Thị Khuyên, 13 tuổi, quận Gò Vấp, TP.HCM. Cả bố và mẹ của em đã chết bởi căn bệnh AIDS. Ai cũng xót xa cho cô bé còn quá non nớt đã phải chịu bất hạnh.
Di vật là Bức thư của người bố bị AIDS viết gửi cho con gái trước khi qua đời. Đó là những lời chăng chối cuối cùng, đã làm thức tỉnh trong mỗi con người niềm yêu thương với gia đình và cộng đồng.
PGS.TS Nguyễn Duy Thiệu - Phó giám đốc Bảo tàng Dân tộc học cho biết: “Xuất phát từ quan niệm bảo tàng đã đổi mới, công tác bảo tàng cũng đang tiếp cận với nền văn hoá đương đại và chủ thể văn hoá đang sống với nền văn hoá ấy. Và trách nhiệm xã hội của bảo tàng quan tâm đến vấn đề đang sôi động hiện nay, cùng tham gia vào các vấn đề xã hội. Để những người thiệt thòi trong xã hội nói lên tiếng nói của họ, đưa ra những thông điệp để xã hội thảo luận. Lấy những câu chuyện của người trong cuộc là trung tâm, được diễn giãi qua các thiết bị âm thanh, hình ảnh và hiện vật… tiếp cận sự việc từ góc độ văn hoá”.
Trưng bày được coi như một hình thức tạo bối cảnh nhằm khuyến khích thảo luận rộng rãi trong xã hội về HIV /AIDS và những vấn đề liên quan; tạo cơ hội cho những người sống chung với HIV /AIDS và những người làm việc trong lĩnh vực phòng chống HIV /AIDS trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn. Đây cũng là dịp nhìn nhận lại những nỗ lực của cộng đồng, những người chung sống với HIV /AIDS, của Chính phủ cũng như toàn xã hội trong việc ứng phó với bệnh dịch HIV /AIDS trong 20 năm qua.
Quá khứ và hiện tại được tái hiện thông qua các câu chuyện và hình ảnh của những người trong cuộc và trên nhiều cương vị khác nhau, từ những người sống chung với HIV/AIDS đến các cán bộ y tế, những nhà quản lý, hoạch định chính sách, nghiên cứu, làm công tác từ thiện...
Anh Hoàng Mạnh Hùng, ở 135 Trần Hữu Tước, Hà Nội (khách tham quan) cho biết: “Khi đến đây tôi mới nắm bắt thêm được nhiều thông tin về HIV/AIDS. Tôi thực sự thông cảm và mong muốn sẽ chia cùng với những người không may bị nhiễm căn bệnh này. Tôi mong rằng những người thân của họ cùng xã hội giúp đỡ, chia sẽ nhiều hơn nữa đối với người không may mắc phải căn bệnh này”.
Tâm sự của chị Nguyễn Thị Thanh Hương, 25 tuổi, ở phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy cho biết: “Trước đây tôi rất sợ những người bị nhiễm HIV/AIDS, chỉ cần nghe đến thôi đã nổi da gà, do lúc đó nhận thức của mình về căn bệnh này rất mơ hồ. Thông qua triển lãm này mình cảm nhận được những bất hạnh của những người không may bị nhiễm “H”, nhất là đối với chị em phụ nữ. Tôi thực sự cảm phục họ về nghị lực sống, nhiều người đã vượt qua mặc cảm tích cực tham gia vào công tác tuyên truyền phong chống AIDS và có người lại làm kinh tế rất giỏi… Nhìn nhận về căn bệnh này của tôi cũng đổi khác và cảm thông với những người bị “H” hơn”.
Dù biết rằng không thể mang lại sự sống cho những người bị “H”, nhưng khi cộng đồng cùng quan tâm đến bệnh nhân HIV sẽ thắp sáng niềm tin sống còn le lói trong những tâm hồn đang bị tổn thương, để họ hiểu rằng cuộc sống này còn rất nhiều người quan tâm đến họ.
Anh Ong Văn Tùng, tổ 18 Phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội người đã 13 năm sống chung với HIV tâm sự: “Khi phát hiện ra mình bị nhiễm HIV, tôi rất sợ hãi, chốn tránh trước những lời xì xào bàn tán của mọi người… Nhưng được sự đỡ của mọi người, tôi đã lấy lại được niềm tin trong cuộc sống”.
Hiện anh Tùng đang là một đồng đẳng viên, thường xuyên đi tuyên truyền về phương pháp phòng chống AIDS, giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ, để họ có niềm tin vào cuộc sống, vào tương lai.
Tổng quan của triển lãm đã khắc sâu vào tâm trí của khách thăm quan về một triển lãm “đặc biệt”, lấy câu chuyện của những người trong cuộc làm chất liệu trung tâm, không gian trưng bày tái tạo bối cảnh nơi xảy ra câu chuyện. Bằng ngôn ngữ bảo tàng, những tư liệu, hiện vật được kết nối thành lộ trình trưng bày, dẫn dắt công chúng theo những cảm xúc khác nhau, truyền tải nội dung phong phú. Từ nỗi đau và mất mát đến khát vọng sống, nỗ lực của những người sống chung với HIV/AIDS cùng với gia đình và cộng đồng vươn lên, chung tay ngăn chặn đại dịch.