Xây dựng mô hình hát sli, hát lượn của các dân tộc Tày, Nùng vùng ATK

16:40, 25/11/2010

Đó là tên đề tài mà Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Định Hóa đã và đang tiến hành nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa hát sli, hát lượn của người Tày, Nùng trên vùng ATK. Qua đó góp phần cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo tồn và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Huyện Định Hóa có nhiều dân tộc cùng sinh sống. Trong đó, dân tộc Tày, Nùng chiếm hơn 50% tổng dân số, sinh sống ở hầu hết 24/24 xã, thị trấn. Nền văn hóa của họ mang đậm yếu tố bản địa, vừa có sự giao thoa với các dân tộc khác cùng sống trong vùng. Do đó, vốn văn hóa của họ ngày càng phong phú, nhưng cũng vì thế mà rất khó giữ được nét “nguyên thủy” mà dễ dàng bị pha trộn với những nền văn hóa khác, dần mất đi “bản sắc” vốn có của nó. Hát sli, lượn của người Tày, Nùng cũng không tránh khỏi quá trình ấy. Hát sli, lượn là một thể loại dân ca của người Tày, Nùng, giống như hát ví, hát ghẹo của người Kinh. Những câu hát đề cập đến mọi mặt của đời sống, ca ngợi quê hương, đất nước, cảnh đẹp của thiên nhiên. Đó là những câu hát giao duyên, đối đáp của những đôi trai gái, tập thể nam nữ, tình bằng hữu... Không những vậy, những câu hát ấy còn là thước đo cho sự hiểu biết, thông minh, hiếu khách... của người Tày, Nùng xưa.

 

Những lời ca tạo nên không khí phấn khởi, sảng khoái, tạo niềm vui trong lao động, sinh hoạt, thêm tin yêu cuộc sống. Khi những buổi hát sli, lượn được tổ chức trong cộng đồng, mọi người cùng giao lưu, gặp gỡ, tâm tình vừa góp phần tạo nên tình đoàn kết, gắn bó, vừa là dịp để người lao động bảo lưu văn hóa truyền thống của mình qua các thế hệ. Việc xây dựng đề tài này chính là để góp phần khôi phục và phát huy vốn văn hóa truyền thống tốt đẹp ấy.

                                                                                     

Đồng chí Nguyễn Xuân Chúc, Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Định Hóa, Chủ nhiệm đề tài cho biết: Để thực hiện Đề tài này, chúng tôi lựa chọn 23 xã trong địa bàn huyện, mỗi xã lại chọn ra 2 làng có số người dân tộc Tày, Nùng sinh sống cao nhất để khảo sát. Từ đây sẽ tìm ra những nghệ nhân, những người am hiểu về hát sli, hát lượn. Sau đó, bằng phương pháp phỏng vấn, thống kê, sưu tầm các bài hát qua ghi chép, qua trí nhớ của người già tập hợp lại thành sách. Để thực hiện thành công đề tài này, chúng tôi đã huy động nhiều nhân lực để tổ chức khảo sát, tìm hiểu về hiểu biết về hát sli, lượn của gần 300 người dân địa phương; tổ chức thành công một cuộc hội thảo về nội dung, ý nghĩa, vai trò của hát sli, lượn trong đời sống dân tộc Tày, Nùng xưa và nay. Chúng tôi đang gấp rút chuẩn bị cho cuộc hội thảo lần 2 về phát hành sách giới thiệu về dân ca Tày, Nùng và in thành đĩa CD. Sau khi mua sắm trang phục biểu diễn, nhạc cụ, Phòng thành lập các đội văn nghệ tập luyện và biểu diễn. Dự kiến đến tháng 4-2011, đề tài sẽ hoàn thành.

 

Sự thành công của đề tài phụ thuộc rất nhiều vào sự cộng tác của các nghệ nhân. Trong khi đó, những nghệ nhân được Nhà nuớc phong tặng và những người am hiểu sâu sắc về hát sli, hát lượn của dân tộc mình không nhiều. Hơn nữa, một số người rất tâm huyết nhưng vì tuổi đã cao nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc thể hiện, biểu diễn đúng động tác, giọng hát, cách luyến láy…

 

Chúng tôi có dịp trao đổi với ông Hoàng Luận, xóm Khâu Diều, xã Định Biên. Ông là một trong số ít người am hiểu về văn hoá này và có đóng góp rất nhiều vào Đề tài mà Phòng Văn hóa - Thông tin huyện đang xây dựng. Ông cho biết: Hát sli, lượn có 7 làn điệu chính (lượn lồng tồng, lượn thương, lượn cọi, lượn phong slư, nàng ới, then, sli). Từ xưa, hát sli, hát lượn của người Tày, Nùng được được dùng trong giao tiếp hàng ngày. Qua lời hát, tâm tư tình cảm, phong tục tập quán của mảnh đất con người được bộc lộ, là phương tiện để các đôi nam, nữ tìm hiểu lẫn nhau… Tuy nhiên, đến năm 1954, hát sli, lượn đã dần bị mai một và gần như mất hẳn vào những năm 1960 do nhiều yếu tố tác động. Mãi đến năm 1986, khi Đảng và Nhà nước có chủ trương “Bảo tồn và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” thì hát sli, lượn của người Tày, Nùng Định Hóa mới dần được khôi phục. Những người già như chúng tôi luôn mong muốn nét văn hóa ấy sẽ được khôi phục và lưu truyền lại cho các thế hệ sau.  Điều chúng tôi trăn trở là lớp trẻ bây giờ là rất ít người hiểu và thiết tha với nét văn hóa này… Ngoài ông Hoàng Luận còn có một số nghệ nhân khác cũng rất tâm huyết góp công sức, niềm say mê với Đề tài như: Ông Ma Đình Thu, ông Lưu Xuân Lai, ông Lý Quang Thanh, bà Ma Thị Cháu, bà Mông Thị Thoi, ông Ma Doãn Được, bà Liêu Thị Năm.

 

Khôi phục, bảo tồn dân ca hát sli, hát lượn của các dân tộc Tày, Nùng vùng ATK cũng là góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Không những vậy, nó còn đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật của nhân dân. Điều mong muốn lớn nhất của những người làm Đề tài nói riêng, người dân vùng ATK nói chung và đặc biệt là những nghệ nhân có tâm huyết đó là văn hóa hát sli, lượn của dân tộc mình sẽ được duy trì, quảng bá, mở rộng; được diễn xướng trong các lễ hội và ở các điểm khu du lịch của địa phương. Để làm được điều đó, cần sự chung sức, chung lòng của những người có tâm huyết đặc biệt là sự quan tâm, đam mê, nhiệt huyết của giới trẻ. Đây là nhân tố quan trọng để duy trì và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc mình.