Bộ phim truyện thứ hai về Nguyễn Ái Quốc ở Trung Quốc

14:13, 17/12/2010

“Vượt qua bến Thượng Hải” sẽ chính thức ra mắt công chúng tại các rạp trên toàn quốc từ ngày 17/12

 

Truyện phim có bối cảnh Hạ Môn và Thượng Hải năm 1933, kể từ khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thoát khỏi ngục tù của đế quốc Anh rời Hongkong tới Thượng Hải để tìm cách sang Liên Xô.

 

Tại Thượng Hải, Người đã gặp Tống Khánh Linh, cầu nối đắc lực để Nguyễn Ái Quốc liên hệ với bạn bè. Và bà Tống Khánh Linh, phu nhân cố Tổng thống Tôn Trung Sơn đã giúp đỡ Nguyễn Ái Quốc một lần nữa thoát khỏi vòng vây của lực lượng đế quốc ở Thượng Hải.

 

Phim không có cảnh quay nào ghi nhận sự gặp gỡ trực tiếp giữa Nguyễn Ái Quốc và bà Tống Khánh Linh, song người xem vẫn có thể cảm nhận được mối quan hệ giao hảo giữa hai người chiến sĩ cách mạng yêu nước đại diện cho hai dân tộc.

 

Các nhân vật lịch sử xuất hiện trong phim ngoài lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, bà Tống Khánh Linh, còn có các ông Nguyễn Lương Bằng, Hồ Tùng Mậu, Vailant Cuturie - Tổng biên tập Báo Nhân Đạo của Đảng Cộng sản Pháp.

 

Ngoài ra, bộ phim còn có một số nhân vật hư cấu. Đó là Ngũ Lang - một sát thủ được thực dân Pháp thuê ám sát Nguyễn Ái Quốc; Phương Thảo, em gái Ngũ Lang, là y tá chăm sóc Người khi Người còn ở Hongkong, rồi tiếp tục theo Nguyễn Ái Quốc tới Thượng Hải để chăm sóc sức khỏe và bí mật bảo vệ Nguyễn Ái Quốc theo yêu cầu của tổ chức cách mạng.

 

Bộ phim chủ yếu được quay tại Trường quay Hoành Điếm và Thượng Hải (Trung Quốc). Các nhà làm phim xây dựng hình tượng Nguyễn Ái Quốc, một nhân vật anh hùng thấu hiểu nhân tâm, mang sứ mệnh lớn giải phóng dân tộc, biểu tượng của văn hóa Việt Nam.

 

Theo đạo diễn Triệu Tuấn, trong phim có một số nhân vật, câu chuyện hư cấu nhưng vẫn đảm bảo yếu tố sáng tạo nghệ thuật và tôn trọng tính chân thực của các sự kiện lịch sử.

 

Cũng theo đạo diễn này, tất cả diễn viên quần chúng đều là người Trung Quốc, khoảng 200 người và chỉ có 9 diễn viên chính của Việt Nam. Tuy nhiên, toàn bộ đạo cụ và phục trang cho các cảnh quay người Việt, đều mang từ Việt Nam sang, từ chiếc quang gánh, nón mũ, quần áo, guốc dép...

 

Đây là một bộ phim về đề tài chính trị, lịch sử. Do đó để phim không bị tẻ nhạt và đơn điệu, đạo diễn Triệu Tuấn đã xây dựng phim theo tiết tấu nhanh, nhiều pha hành động nguy hiểm để người xem hình dung được mức độ căng thẳng tột độ đối với sự an nguy của Nguyễn Ái Quốc lúc bấy giờ. Các pha hành động trong phim luôn gắn kết chặt chẽ với câu chuyện chứ không phải những tình huống đặt ra nhằm câu khách.

 

Tuy nhiên, có lẽ do quá tập trung khắc sâu con người nhân văn mà cái cốt lõi của vấn đề là thể hiện trí tuệ lớn cùng sự mưu trí, dũng cảm của người chiến sĩ cộng sản quốc tế vượt qua lưới mật thám của kẻ thù lại chưa toát lên được. Ngoài những bài báo tố cáo kẻ thù, những lần gặp gỡ gắn với các chiến sĩ cách mạng đang hoạt động trên đất bạn… thì những lần thoát hiểm của Người phần lớn nhờ sự che chở của anh Hổ - hộ vệ của Người, hay sự giúp đỡ của Văn phòng bà Tống Khánh Linh. Những lần thoát hiểm khiến người xem cảm thấy quá dễ dàng và không có kịch tính, sự hồi hộp.

 

Trong phim có nhiều chi tiết nhằm khắc họa rõ nét nhân cách Nguyễn Ái Quốc. Trong đó có tình cảm của Người dành cho các cháu thiếu nhi. Chẳng hạn khi biết 11 đứa trẻ là con của các liệt sĩ Việt Nam bị giam giữ, Nguyễn Ái Quốc đã viết thư nhờ bà Tống Khánh Linh giúp đỡ; dù biết sẽ gặp nguy hiểm nhưng Người vẫn tới thăm, để biết các cháu sống có khỏe, có vui không. Tiếp đó là cảnh anh em nhà Phương Thảo gặp nhau. Chính vì đi sâu vào những chi tiết hư cấu như vậy mà nhà làm phim đã làm cho các tuyến nhân vật chính bị nhòa.

 

Đạo diễn Triệu Tuấn vẫn hy vọng phim khi ra rạp sẽ hấp dẫn người xem, nhất là lớp trẻ. Các bạn trẻ sẽ học được nhiều điều từ bộ phim, đặc biệt là bản lĩnh khi đối diện với những khó khăn, thách thức.