Tối 30/12, phát biểu khai mạc Lễ hội hoa diễn ra tại tượng đài Lý Thái Tổ bên hồ Hoàn Kiếm, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh thành phố mong muốn tạo không gian, điểm đến văn hóa, du lịch cho đồng bào cả nước, bạn bè quốc tế trong những ngày đầu xuân năm mới.
Lễ hội ngàn hoa khoe sắc còn là dịp tôn vinh nét đẹp của hoa, những làng nghề, phố nghề truyền thống, sự tài hoa khéo léo của các nghệ nhân đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến và các tỉnh, thành…
Với chủ đề "Lung linh sắc hoa Hà Nội", chương trình khai hội bao gồm nhiều nội dung đặc sắc, thu hút sự tham gia của hàng trăm nghệ sĩ diễn viên và thiếu nhi.
Mở đầu là màn trống hội Thăng Long rộn ràng do các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam trình diễn và nghi lễ dâng hoa tại Tượng đài Lý Thái Tổ.
Tiếp đó là chương trình nghệ thuật đặc biệt trên nền các giai điệu mượt mà, sâu lắng về Hà Nội, với các màn trình diễn áo dài “Thiếu nữ Hà Nội bên hoa”, “Sắc hoa Hà Nội” của Nhà thiết kế Lan Hương, các tiết mục ca múa nhạc: "Hát với mùa xuân", “Giọt đàn xuân”, "Mùa xuân làng lúa làng hoa", “Múa hoa", "Mãi vẫn là tuổi thơ tôi Hà Nội", "Hà Nội ba sáu phố phường"...
Kết thúc chương trình là màn pháo bông nghệ thuật rực sáng tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ và cầu Thê Húc.
Tại lễ khai mạc, Trung tâm sách kỷ lục Việt
Tiếp đến là tác phẩm mô phỏng Chiếu dời đô bằng gỗ khảm trai lớn nhất cao 1,93m, rộng 1,27m, nặng 79kg do ông Trần Bá Năm ở Phú Xuyên, Hà Nội làm từ gỗ gụ, gồm 218 chữ Hán được khảm hoàn toàn bằng vỏ ốc biển.
Bình hoa sen làm bằng mây tre lớn nhất: cao 6,5m, nặng khoảng 120kg, đường kính đáy 1,2m do ông Nguyễn Phương Quang ở Chương Mỹ, Hà Nội đan theo 3 kiến trúc nổi tiếng của Hà Nội là Khuê Văn Các, Chùa Một Cột và Tháp Rùa, phía trên có 10 bông sen làm bằng mây.
Diễn ra từ 30/12/2009-3/1/2010, Lễ hội Hoa Hà Nội là sự kiện mở màn cho chuỗi hơn 80 hoạt động lớn của Hà Nội chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Các hoạt động nổi bật của lễ hội gồm thi cắm hoa nghệ thuật và chương trình nghệ thuật chào năm mới 2010 (31/12), biểu diễn nghệ thuật truyền thống (1-2/1), Đêm hội trà-hoa (3/1).
Với những ý tưởng đẹp và chuyên nghiệp trong thiết kế, Lễ hội hoa quy tụ nhiều tác phẩm độc đáo như Tháp hoa biểu tượng rồng thiêng; Biểu tượng Hà Nội cao 4,5m được kết từ 1000 bông cúc vàng; trống hội ngàn năm với chiếc trống đại do các nghệ nhân, thợ thủ công làng trống Lâm Yên (Quảng Nam) thực hiện cùng hàng chục chiếc trống được sắp đặt trên thảm hoa.
Bên cạnh đó, lễ hội còn có những đại cảnh hoa tái hiện đậm nét không gian văn hóa Thăng Long-Hà Nội như làng lúa xen lẫn làng hoa; lễ ăn hỏi với đoàn xe xích lô chở đầy lễ vật; cầu Long Biên bắc qua sông Hồng, hai bên là làng đào, quất cảnh, làng gốm cổ và cả hình ảnh cuốn sách mở rộng, tàu điện được phục dựng trên nền hoa.
Toàn bộ đường dạo quanh hồ cũng được trang trí bằng các chậu hoa cỡ đại đủ màu sắc. Trên mặt hồ Hoàn Kiếm là bè hoa kết nổi mang con số 1.000, tượng trưng cho 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.
Lễ hội còn có sự hiện diện của 30.000 bông hoa tulip tươi đến từ Hà Lan.