Nghe hát then ở Khau Diều

14:30, 28/12/2010

Xóm Khau Diều, xã Định Biên (Định Hoá) là nơi sinh sống chủ yếu của bà con người dân tộc Tày, Nùng. Trên quê hương Khau Diều, từ trẻ nhỏ đến người già ai cũng yêu thích làn điệu hát then - nét văn hóa đặc trưng của người Tày. Đây là xóm duy nhất có đội văn nghệ với số lượng diễn viên đông tập trung trong câu lạc bộ (CLB) nghệ thuật quần chúng (NTQC) huyện Định Hóa (18/42 thành viên).

 

Ông Nông Đình Long, Bí thư chi bộ xóm cho biết: Vài năm trở lại đây, nhờ nỗ lực vươn lên làm kinh tế, đẩy mạnh công tác xoá đói giảm nghèo nên đời sống bà con ở Khau Diều ngày một nâng cao. Hiện, người dân có thu nhập bình quân 10 triệu đồng/người/năm. Do vậy, bà con có nhiều thời gian dành cho hoạt động văn hoá, văn nghệ thể thao. Đội văn nghệ hát then của xóm thành lập năm 2006. Điều đặc biệt, Đội đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, kể cả cụ già trên 80 tuổi hay em nhỏ trên 10 tuổi, nhưng đông nhất vẫn là chị em.

 

Câu chuyện một người 12 năm làm Bí thư Đảng uỷ xã Định Biên, ông Hoàng Luận, sau khi nghỉ hưu, vẫn không dứt duyên nợ với văn hoá, văn nghệ thật sự thu hút chúng tôi. Ông Luận đã đề đạt ý kiến với chính quyền địa phương thành lập đội văn nghệ của xóm nhằm tạo sân chơi lành mạnh thu hút đông đảo bà con tham gia, đồng thời giáo dục thế hệ trẻ yêu làn điệu dân ca, đặc biệt là điệu hát then truyền thống của người Tày. Ban đầu, đội văn nghệ chỉ có gần 10 người, các tiết mục biểu diễn là các sáng tác ngâm thơ. Từ khi CLB NTQC Định Hoá ra đời năm 2006, là thành viên của CLB, ông đã học hỏi các điệu múa, hát then và truyền đạt lại cho các hội viên của mình. Từ “tài sản” là vài chiếc đàn tính, dần dần các thành viên đã đóng góp 50 nghìn đồng/hội viên để mua sắm thêm đàn, trang phục Tày, Dao biểu diễn trong các buổi giao lưu. Hiện, đội văn nghệ thu hút trên 30 thành viên tham gia. Nhà văn hóa xóm được đầu tư xây dựng trị giá trên 100 triệu đồng với diện tích khuôn viên rộng gần 1.000 m2 rất thuận lợi cho đội sinh hoạt.

 

Là đơn vị có hoạt động NTQC xuất sắc, Đội văn nghệ đã được Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tặng một bộ đàn Oóc gan và bộ âm ly trị giá gần 20 triệu đồng. Điều thú vị là các tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” và biểu diễn xoay quanh chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ và quê hương đổi mới với các làn điệu được yêu thích như Lượn, Cọi, Nàng ới… do chính các thành viên trong đội sáng tác. Đặc biệt ông Luận rất tâm huyết và say sưa sáng tác thơ văn, soạn lời mới cho đội biểu diễn. Chỉ riêng năm 2009, ông đã sáng tác sưu tầm biên soạn được trên 50 bài thơ, 20 bài hát then, theo điệu hát lượn người Tày Định Hóa. Ngoài ông Luận còn có cụ Hoàng Văn Loan, cụ Hoàng Xuân năm nay đã ngoài 80 tuổi tích cực sáng tác cho đội văn nghệ biểu diễn. Hàng năm, vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, nhất là lễ cầu mùa đội NTQC xóm Khau Diều đều tổ chức giao lưu văn nghệ với các xóm bản lân cận như xóm Gốc Thông, xóm Khau Lầu, Thẩm Tắng, cùng các xã, thị trấn khác trong huyện như Thanh Định, Chợ Chu, Điềm Mặc...

 

Trong đội văn nghệ xóm Khâu Diều có sự góp mặt của 12 em học sinh ở độ tuổi từ 13 đến 16, có năng khiếu, biểu diễn thuần thục như em Hoàng Thị Dung, Hoàng Thị Lợi, Hoàng Thị Tươi… Điều đáng mừng là các em tiếp thu, tập luyện đàn tính, hát then rất nhanh. Ông Hoàng Luận vui vẻ kể với chúng tôi: “Thấy tôi ham mê sáng tác thơ, soạn lời cho các điệu hát then, các cháu gái tôi cũng muốn học. Cháu nội Hoàng Thị Tươi được tôi dạy đàn tính và hát then từ năm 12 tuổi. Đến nay cháu đã đàn, hát rất hay, vừa qua cháu đã giành giải B trong cuộc thi văn nghệ do Trường THPT Bình Yên tổ chức. Tôi thấy rất phấn khởi vì như thế chính là mình đã thành công trong việc giáo dục thế hệ trẻ tình yêu nguồn cội để chúng hiểu được cái hồn cốt và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình thông qua các làn điệu dân ca, trong đó có hát then. Nếu sau này không còn thế hệ như chúng tôi nữa, cũng không phải lo lớp trẻ sẽ “mất gốc”.” Ông Lưu Xuân Lai, nghệ nhân đàn tính, Phó Chủ nhiệm CLB NTQC huyện Định Hóa thì nói: “Tôi đã tham gia biểu diễn nghệ thuật ở nhiều nơi, nhưng mỗi khi nhìn các cháu thiếu niên Khau Diều biểu diễn tôi lại thấy xúc động, xốn xang, thấy mình như trẻ lại và nghĩ rằng trọng trách “truyền lửa” cho lớp trẻ lưu giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của thế hệ chúng tôi thật ý nghĩa biết nhường nào”.

 

Đến xóm Khau Diều rất dễ nhận ra là đời sống của bà con ở đây đang ngày được nâng cao. Tháng 11-2009, xóm vừa đón nhận danh hiệu Làng Văn hóa giai đoạn 2006-2008. Hiện xóm chỉ còn 3/41 hộ nghèo, 85% số hộ đã có nhà xây kiên cố, 100% có xe máy và các phương tiện nghe nhìn. Việc lồng ghép hoạt động văn hóa, văn nghệ của chính quyền đoàn thể trong phổ biến, tuyên truyền các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đã thực sự mang lại hiệu quả. Trong xóm, bà con cùng đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế.