Phong bao lì xì ngày Tết

13:30, 14/01/2011

Mấy năm gần đây, năm nào cũng vậy, cứ gần đến Tết là mẹ tôi không quên nhắc chúng tôi mua cho mẹ tập phong bao lì xì và đổi một ít tiền lẻ để mẹ mừng tuổi cho các cháu trong dịp Tết.

 

Nhớ những cái Tết hồi chị em tôi còn nhỏ, sau khi thắp hương cúng giao thừa, bao giờ mẹ cũng gọi chúng tôi lại gần chúc 3 chị em có một năm mới khỏe mạnh, ngoan ngoãn và học giỏi. Ngoài lời chúc, mẹ không quên tặng mỗi chị em chúng tôi một túi bóng bay để chia nhau. Để rồi sau đó, chị Hai sẽ thay mặt ba chị em cảm ơn mẹ và ríu rít kéo nhau ra một góc thổi những chiếc bóng bay xanh, đỏ có hình các con vật như con mèo, con hổ, con lợn… Sáng mùng Một, mẹ gọi chúng tôi dậy sớm, trước khi phụ mẹ nấu bữa cơm mời các cụ ông, cụ bà về ăn Tết, mẹ đưa cho chúng tôi mỗi người một quyển vở cùng chiếc bút mới tinh bảo mỗi người hãy viết vài dòng lên đó, gọi là tục Khai bút, ý là nếu viết những dòng chữ nắn nót đẹp đẽ vào ngày mùng 1 Tết thì cả năm chúng tôi sẽ viết chữ đẹp, học giỏi.

 

Có năm, mẹ nuôi được con lợn to bán được số tiền kha khá, Tết đến, mẹ mừng tuổi mỗi chị em chúng tôi mấy đồng tiền xu, cho vào một chiếc túi màu đỏ mẹ đã khâu rất khéo. Đi chơi mấy ngày Tết, chúng tôi không quên cử động mạnh để những đồng xu trong túi kêu leng keng nghe rất vui tai, ngầm khoe với bạn bè. Mẹ bảo tặng tiền mừng tuổi vào dịp đầu năm Tết Nguyên Đán là một phong tục phổ biến ở nước ta từ rất lâu rồi. Phong tục này bắt nguồn từ nước Trung Quốc. Vào những ngày Tết, người lớn thường mừng tuổi cho trẻ con một khoản tiền nho nhỏ được đựng trong tấm phong bao màu đỏ in hoa văn rất đẹp. Rồi mẹ kể cho chúng tôi nghe câu chuyện: Ngày xửa, ngày xưa, rất nhiều yêu quái thành tinh sống trong các hốc cây. Chúng muốn ra ngoài để gây hại con người nhưng luôn có các thần tiên ở hạ giới canh giữ cẩn thận nên chúng không làm gì được. Tới đêm giao thừa, tất cả thần đều phải về hầu trời để Ngọc Hoàng phân công lại nhiệm vụ. Tranh thủ cơ hội đó, những con yêu tinh thường xuất hiện xoa đầu trẻ con đang ngủ khiến lũ trẻ giật mình, gào khóc và sau đó bị bệnh sốt cao hoặc bỗng dưng trở thành ngớ ngẩn. Vì thế những gia đình có con nhỏ rất lo lắng, bố mẹ thức cả đêm để canh không cho yêu quái hại con mình và thống thiết kêu cứu tới các vị thần tiên. Các vị tiên nghe thấy liền hóa thành những đồng tiền và bảo bố mẹ các em gói vào một túi vải đỏ đặt bên cạnh giường những em nhỏ. Khi lũ yêu quái đến, những đồng tiền lóe sáng màu vàng rực rỡ khiến chúng sợ hãi bỏ chạy. Từ đó, không bao giờ chúng đến quẫy nhiễu các em bé nữa.

 

Câu chuyện lan truyền ra xa, rồi cứ Tết đến, người dân lại bỏ tiền xu vào trong những chiếc túi màu đỏ tặng cho trẻ con với ý nghĩa như một tấm bùa mang lại may mắn, tài lộc cho đứa trẻ. Sau này lớn lên, chúng tôi đọc sách và được biết thêm một truyền thuyết khác kể rằng tục tặng tiền mừng tuổi bắt nguồn từ hoàng cung nhà Đường (Trung Quốc). Năm đó, Dương Quý Phi sinh hạ hoàng tử, được vua Đường Huyền Tôn đích thân đến thăm và ban cho quà tặng là rất nhiều vàng nén gói trong tấm giấy đỏ. Đó là tiền mừng, cũng là chiếc bùa Hoàng đế ban tặng hoàng tử để trừ tà. Việc này từ cung đình lan rộng ra dân gian, từ đó nhiều người làm theo tặng tiền mừng và cũng bắt đầu coi như tặng món lộc trừ tai họa, mang lại nhiều điều may mắn cho trẻ con.

 

Cũng như ở Trung Quốc, ở Việt Nam, tiền mừng tuổi (lì xì) người lớn mừng cho trẻ nhỏ được cho vào phong bao bằng giấy đỏ hoặc vải nhung đỏ, có những trang trí bắt mắt và nhiều câu chúc an lành, phát đạt. Tặng tiền mừng tuổi đầu năm cho trẻ có ý nghĩa tượng trưng mang đến cho chúng sức khỏe, lợi lộc, vận may, thành đạt. Ngày nay, tục lì xì đã được mở rộng, không chỉ trẻ con được mừng tuổi mà với những người đã lập gia đình, đã có thu nhập thì có thể mừng tuổi cho những bậc cao niên như cha mẹ, ông bà, để cầu chúc may mắn, sức khỏe, bình an, lộc thọ đến với người thân trong gia đình mình.