Vinh quang hồn dân tộc - Nét thăng hoa cảm xúc

14:32, 03/01/2011

Trong ngày Hội Âm nhạc Việt Nam lần thứ nhất (3-9-2010), có một nhạc phẩm mới được ngân lên trong khán phòng Nhà hát giao hưởng Việt Nam khiến hàng triệu trái tim ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng vì tác giả bài thơ được nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân phổ nhạc là gương mặt rất mới, ngỡ ngàng hơn nữa là những cảm xúc dâng trào trong lòng người nghe do lời thơ và nét nhạc hòa quyện mang lại.

  

[embed][VIDEO-BAOTHAINGUYEN][/embed]

 

Nhưng đối với người Thái Nguyên, tác giả Phạm Xuân Đương và nét cảm xúc này đã trở nên thân thuộc. Ngược thời gian, từ tháng 12-2009, ông Phạm Xuân Đương đã có bài thơ Hồn dân tộc đăng trên báo Thái Nguyên. Có thể nói “Hồn dân tộc” là nén tâm nhang thắp lên tưởng nhớ các liệt sĩ thanh niên xung phong đã hy sinh trong trận oanh tạc của máy bay Mỹ ngày 24-12-1972 khi họ đang làm nhiệm vụ giải tỏa hàng quân sự ở ga Lưu Xá (Thành phố Thái Nguyên). Những câu thơ thiết tha hàm súc là kết quả của mạch tình cảm không thể kìm nén, đó là sự xót xa tiếc thương, sự biết ơn sâu sắc những người con đất Việt đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Nét cảm xúc của tâm hồn tác giả thơ đã lay động cảm xúc nhiều người viết nhạc. Thời gian đó, nhạc sĩ Lê Tú Anh là người phổ nhạc đầu tiên và bài hát Hồn dân tộc đã được biểu diễn ở nhiều chương trình văn nghệ. Nhưng tôi nhớ nhất nhạc sĩ Cầm Minh Thuận, dân tộc Mường ở tận Sơn La đã vô tình đọc bài thơ trên báo mà xúc động phổ nhạc gửi về Thái Nguyên. Vào thời điểm này năm trước, trong tiết lạnh giá cuối Đông, chúng tôi may mắn là người đầu tiên được nghe bài hát này tại trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc. Một người đàn pianô, người hát còn phải nhìn bản nhạc nhưng chúng tôi đã thực sự bị nhạc phẩm chinh phục. Tác phẩm sau đó được các diễn viên Trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật Việt Bắc hoàn thiện với hát bè, múa phụ họa tạo hiệu ứng cảm xúc hơn nhiều so với khi tôi nghe “dỡ bản” đầu tiên.

 

Thế nhưng, ông Phạm Xuân Đương vẫn âm thầm viết và cho ra mắt bạn đọc bài thơ Vinh quang hồn dân tộc - nét thăng hoa ý nghĩa và tình cảm của “Hồn dân tộc”. Các liệt sĩ thanh niên xung phong đã hóa thân vào sông núi, vào triệu triệu linh hồn bất tử để trở thành hồn thiêng dân tộc. Dường như có sự linh ứng khi ông Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam - Nhạc sĩ tên tuổi Đỗ Hồng Quân bắt gặp bài thơ. Hai tâm hồn đồng điệu đã làm nên một “Vinh quang Việt Nam” thể hiện bằng dàn hợp xướng của trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW với lĩnh xướng giọng nam trầm của Nghệ sĩ ưu tú Quốc Hưng và giọng nữ cao của nghệ sĩ Hồng Nhung (giải Sao Mai 2009). Cùng với hàng triệu khán giả thưởng thức tác phẩm qua màn ảnh nhỏ trong buổi truyền hình trực tiếp hôm đó, trái tim tôi đã trào dâng cảm xúc: Qua năm tháng theo chiều dài lịch sử/Đất nước tôi vang mãi bản tình ca/Hồn dân tộc là hùng thiêng sông núi/Là biên cương, biển đảo quê hương… Và giây phút giọng nữ vút lên:  Hồn dân tộc các anh hùng liệt sĩ/Những người con đã ngã xuống đất này/Hồn dân tộc là quê hương, là sức mạnh/Đấu tranh cho đất nước trường tồn ... tôi chợt hiểu “Vinh quang hồn dân tộc” đã cất cánh bay lên, vượt ranh giới địa phương, trở thành biểu tượng chung của đất nước.

 

Lại một năm mới đến. Bên tách trà xuân đậm đà, bạn và tôi hãy để tâm hồn mình vấn vít cùng lời thơ và nét nhạc của “Vinh quang Việt Nam”. Trong tiếng tí tách nảy chồi của mầm Xuân, bạn sẽ thấy hồn đất nước đang đồng hành cùng bạn.