Đi xin chữ tết Phố ông đồ

08:26, 03/02/2011

Vài năm gần đây, cùng với sự sung túc về kinh tế, người dân Hà Thành lại có xu hướng hoài cổ khi quay về thú chơi tao nhã: Xin chữ Nho. Đó là nguyên nhân hình thành nên “Phố ông đồ” luôn tấp nập bên đường Văn Miếu - Quốc Tử Giám mỗi độ tết đến xuân về.

Đến tuyến phố Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong những ngày đón Tết cổ truyền Tân Mão, chúng tôi được chứng kiến sự tấp nập đông vui của hàng đoàn người chen vai thích cánh. Dường như mọi người rủ nhau đến đây để được sống lại trong trong một không khí ngày xuân với phong vị xưa cũ. Ngỡ rằng thời ấy đã qua lâu không bao giờ trở lại. Ấy thế mà nay lại tái hiện với cả một dãy dài những ông đồ, già có trẻ có đang ngồi xếp bằng trên những chiếc chiếu hoa, múa bút để mà cho chữ thiên hạ. Cái “thiên hạ” ấy bao gồm đủ cả “nam phụ lão ấu”, ai nấy cùng hớn hở đón nhận những tấm giấy hồng điều, giấy lụa thiếp vàng, giấy trang kim óng ánh, và cả những tấm lụa đào mỏng tang, trên đó có những chữ nho đen nhánh, đẹp như thêu dệt dưới nét bút lông của các ông đồ thời nay. Nhiều ông đồ còn có sáng kiến viết chữ nho trên các tấm gỗ thông, gỗ dán, tấm thẻ tre, các tấm đan bằng giang, nứa, các bình gốm, sứ, các mảnh đá hoa… tạo nên các sản phẩm nom thật phong phú và lạ mắt.
 
Ngắm các ông đồ thời nay đang thi nhau trổ tài, tôi lại nhớ đến câu thơ của Đoàn Văn Cừ trong bài “Chợ tết”: “Một thầy khóa gò lưng trên tấm phản/ Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân/ Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm/ Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ…”
 
Làm một vòng quanh Quốc Tử Giám, chúng tôi tha hồ mà ngắm các bức “tranh tự” bằng chữ nho của các ông đồ, được treo gần như hết các bức tường bao. Thôi thì đủ các loại câu, chữ với hàm ý chúc cho người người, nhà nhà đón tết, vui xuân được hạnh phúc, an khang, thịnh vượng…
 
Lân la hỏi chuyện một vài ông đồ, tôi mới được biết “Phố ông đồ” bắt đầu nhóm họp vào ngày 20 tháng chạp hàng năm. Và hóa ra không chỉ có các ông đồ quê đất Hà Thành mới ra phố cho chữ, mà còn có rất nhiều ông đồ quê ở các tỉnh lân cận, như Bắc Ninh, Hải Dương, Ninh Bình, Nam Định…. Thậm chí có ông ở các miền quê xa ngái như Thanh Hóa, Nghệ An và mãi tận Hà Tĩnh, Quảng Bình cũng về góp mặt. Lại có cả người ở các tỉnh phía Nam ra Hà Nội chơi tết, cũng tìm về Phố ông đồ để khai bút đầu xuân, trao đổi giao lưu với các đồng nghiệp, bởi thú chơi chữ, cho chữ không thể giữ một mình…
 
Có một điều khá lạ, là bên cạnh những ông đồ lớn tuổi, đạo mạo, khăn đóng áo dài, ngoài khoác thêm áo khoác và tấm khăn len để chống lại tiết trời lạnh giá, chúng tôi còn thấy nhiều ông đồ, và cả các "bà đồ" trẻ măng, ăn mặc rất “mo đen” ngồi viết chữ nho rất chững chạc. Để tìm hiểu, tôi lại gần một ông đồ trạc khoảng trên hai mươi tuổi, đang gò lưng bặm môi mà viết chữ nho trên một tấm giấy hồng điều. Dù đang hăm hở viết, ông đồ trẻ nọ cũng dừng lại tiếp chuyện tôi. Qua trao đổi, tôi mới biết đó là Nguyễn Xuân Hùng, quê Thọ Xuân, Thanh Hóa, đang là sinh viên năm thứ ba khoa Hán nôm, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn. Hùng cho biết tết này là tết thứ hai cậu không về quê, mà ở lại tham gia “Chợ cho chữ” - như cách mà cánh sinh viên Hán nôm thường dùng. Theo Hùng, tham gia “Chợ cho chữ” có rất nhiều cái lợi. Trước hết được thỏa nỗi đam mê về thư pháp, được tha hồ viết chữ nho để luyện tay bút; tiếp đó được trao đổi, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm của các đồng nghiệp, nhất là những bậc cao niên, những người đi trước, uyên thâm trong nghiệp viết chữ nho. Và hơn nữa, qua mấy ngày tết, các cậu cũng kiếm được chút vốn kha khá để có thêm kinh phí ă học, đỡ phải xin tiền bố mẹ. Hùng tâm sự: “Riêng sinh viên khoa Hán nôm trường em đã có tới vài chục, cả nam cả nữ ra đây làm ông đồ trong mấy ngày tết, đấy là chưa kể sinh viên học các khoa có liên quan đến Hán nôm ở các trường khác…”
 
Tham dự “Chợ cho chữ” có nhiều người dân Hà Nội và cả rất nhiều người dân các tỉnh kéo về. Ai đến đây cũng cố xin được một vài chữ để về chơi trong những ngày tết và có thể treo cả năm sau tết. Quan sát đám đông, tôi nhận thấy đa số người xin chữ đều mong muốn xin được chữ từ những ông đồ già. Nhưng thực ra có một số ông đồ già mắt mũi kèm nhèm, tay run rẩy trong giá lạnh, chữ viết của họ khó mà bì được với đám sinh viên Hán nôm...
 
Tha thẩn suốt một ngày quanh khu phố ông đồ, tôi khám phá được nhiều nét mới lạ. Ví như chuyện ông đồ Hưng, quê ngay tại phố Văn Miếu, Hà Nội, ông này chỉ viết được các chữ trong “ tam đa” như: “phúc, lộc, thọ” là đẹp, là khoáng đạt, là thanh thoát, nhưng viết đến chữ khác, ví dụ như các chữ “tâm, tín, dũng, nghĩa…” thì ông đành chịu, không tài nào viết đẹp và chân phương được như ông đồ Túc, người quê Nghệ An, ngồi ngay chiếu bên cạnh. Còn "ông đồ" Phú, một sinh viên năm thứ tư khoa Hán nôm, người đã từng tham dự liền 3 “Chợ cho chữ” trong các năm gần đây thì bút lực lại rất “sung”, có thể viết chữ nào cũng đẹp, cũng rắn rỏi, cũng bay bướm, khiến cho tất cả mọi ông đồ từ già đến trẻ đều phục lăn.
 
Trước mặt tôi là một người vừa len ra khỏi đám đông, tay giơ cao tấm giấy hồng điều với chữ “Tâm” đen nhánh nét mực tàu. Hỏi chuyện, được biết anh tên là Nguyễn Minh Tâm, quê Vĩnh Phú về Hà Nội chơi tết. Anh Tâm hồ hởi: “Anh biết không, nghe nói Hà Nội có phố ông đồ, tôi thích lắm mà mãi tết này mới có điều kiện đến xin chữ. Tôi tên là Tâm, nên chỉ thích xin chữ Tâm. Tôi sẽ đem về treo ngay giữa nhà để chơi mấy ngày tết cho thỏa tâm nguyện”.
 
Như vậy có thể thấy rằng hiện nay, ngày càng có nhiều người ham thích chữ nho. Và câu thơ “Thôi có hay gì cái chữ nho/ Ông nghè ông cống cũng nằm co…” của cụ Tú Xương khi xưa xem chừng không còn đúng lắm. Trời càng về chiều, Phố ông đồ càng đông đúc. Và dù có khá nhiều ông đồ cả già lẫn trẻ trải chiếu ngồi trên hè phố, tất cả đều gò lưng ra viết mà vẫn không đáp ứng kịp nhu cầu của khách hàng. Rời phố ông đồ, tôi chạnh lòng nhớ đến bài thơ “Ông đồ”của Vũ Đình Liên, câu thơ nói lên số phận hẩm hiu của ông đồ vào cái thời mà nghề này đã trở nên ít hữu dụng:
 
“Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu, giấy đỏ/ Bên phố đông người qua. Nhưng mỗi năm mỗi vắng/ Người thuê viết nay đâu? Giấy đỏ buồn không thắm/ Mực đọng trong nghiên sầu. Ông đồ vẫn ngồi đấy/ Qua đường không ai hay/ Lá vàng rơi trên giấy/ Ngoài trời mưa bụi bay. Năm nay đào lại nở/ Không thấy ông đồ xưa/ Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ?”.
 
Tôi bỗng muốn thưa với Nhà thơ Vũ Đình Liên và cụ Tú Xương rằng: “Thưa các cụ, các cụ đã xiết bao xót xa cho sự tàn lụi của chữ nho, sự lưu lạc của “Những hồn người muôn năm cũ”, của những ông đồ xưa, đã chắt chiu từng câu chữ để nâng đỡ cho cái sự học của lớp con cháu. Và , dù “giấy rách giữ lề”, các cụ vẫn cố níu giữ lấy “nếp nhà” bảo vệ cái hồn cốt của nền văn hóa dân tộc qua thời tao loạn. Thế nhưng nay thì nếu linh khí của các cụ có trở về đây, các cụ sẽ xiết bao vui mừng trước niềm ham mê của mọi người đối với “Cái chữ nho”. Các cụ sẽ được mục kích tận mắt cảnh những ông đồ cả trẻ lẫn già thời nay đang hăng hái làm việc phục vụ sự ham thích của đông đảo người dân. Hẳn các cụ sẽ rất hài lòng và nhận thấy đây chính là một minh chứng hùng hồn cho sự trường tồn của một nền văn hóa dân tộc đang phát triển, ngày càng giàu bản sắc, đa dạng, tiến bộ và không bao giờ mai một…”