Đã thành lệ, cứ vào ngày mồng 6 tháng Giêng (âm lịch), huyện Phú Lương lại tưng bừng tổ chức Lễ hội đền Đuổm. Từ sáng sớm, từng đoàn người đã nô nức kéo về Đền. Băng zôn, cờ, hoa treo rợp đường càng làm cho không khí Lễ hội thêm náo nhiệt.
[embed][VIDEO-BAOTHAINGUYEN][/embed]
Đền Đuổm tọa khiêm nhường dưới chân núi Đuổm, một hệ núi đá vôi hùng vĩ với 6 mỏm đá cao ngất tạo hình hàm long ngóc đầu chầu lên đầy uy nghi. Nơi đây thờ vị Anh hùng dân tộc Dương Tự Minh, người có công lao to lớn trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ vững chắc biên cương phía Bắc của Tổ quốc Đại Việt dưới các triều vua Lý. Phủ Phú Lương hơn 30 năm dưới sự cai quản của ông thực sự trở thành một vùng phồn thịnh. Người dân làng Đuổm đời nọ nối đời kia thay mặt cho nhân dân các dân tộc huyện Phú Lương thường trực phụng thờ Đền. Sở dĩ lệ Đền được tổ chức vào ngày 6 tháng Giêng là bởi tương truyền rằng đây là ngày sinh của ông. Vào ngày này, cả làng đều dậy sớm, nhanh tay làm cỗ để rước ra lễ Đền.
7 giờ sáng, người dân trong huyện đã đội lễ lên Đền, khách thập thương kéo về dâng hương trảy hội, khắp sân trong, sân ngoài đông nghịt người. Đoàn dâng lễ khăn áo chỉnh tề đội cỗ, hương, hoa… từ thủy Đền dâng lên Đền chính. Cỗ dâng có 2 loại: Cỗ chay và cỗ mặn. Cỗ chay là các loại bánh bìa, bánh vôi, bánh chè lam, bánh khảo, bánh rán, bỏng nổ được làm cầu kỳ và đặt vào 8 chiếc mâm bồng, mỗi mâm đặt thành 8 phần, mỗi phần đủ 6 thứ bánh. Cỗ mặn gồm lợn quay, gà luộc, xôi gấc… bày biện đẹp mắt. Bà Nguyễn Thị Thanh, xã Động Đạt cho biết: Để làm được các mâm cỗ này, bà con trong các thôn, xóm rậm rịch từ mấy ngày hôm trước. Người xay bột, người giã gạo, những nam thanh nữ tú thì lên rừng cắt lá về rửa sạch, phơi se để gói bánh. Quan trọng là bánh làm phải vuông, mỗi bề dày mười phân, bánh bỏng thì yêu cầu nổ tròn, to bằng trái bưởi. Đến giờ, ông thủ chỉ việc nổi trống ra lệnh rước cỗ vào Đền. Cỗ chay rước trước, cỗ mặn rước sau, đi đầu là 2 quan viên mặc áo thụng cầm 2 lá cờ, đi sau là trống, chiêng, kèn, tiếp đến là sáo, nhị thanh la, sênh tiền… Đàn nhạc, trống chiêng khua vang dội vào vách đá ầm vang thúc giục người người nhanh chân đến lễ Đền. Tế xong, nam giới làng Đuổm từ 18 tuổi trở lên được ăn cỗ tại Đền, sau đó, phần cỗ lễ được chia cho các chức dịch trong làng.
Nghi thức dâng lễ lên Đền
Xong phần lễ hết là đến phần hội. Đây cũng là phần náo nhiệt nhất, các trò vui được diễn ra suốt từ sáng tới tối ở nhiều nơi, từ sân đền đến các khu vực xung quanh. Bên hồ bán nguyệt trước Đền, nam nữ thanh niên cùng ra sức ném những quả còn thật cao, thật trúng vào tâm chiếc vòng nhật nguyệt. Cây còn được dựng bằng thân cây tre cao độ 13 sải tay, ngọn cây uốn một vòng tròn bằng chiếc nón chóp dán giấy mầu xanh, quả còn được khâu bằng vải nhiều mầu, nhồi cát và hạt thóc với 4 đuôi dài mầu tím, hồng, vàng, trắng vun vút như hoa bay ngang trời trông thật đẹp mắt. Kế bên, trẻ con thi nhau chơi trò đánh đu, người xem đứng bao quanh vỗ tay tán thưởng. Đây đó, từng nhóm người túm tụm xem thi kéo co, vật, chọi gà, đánh cờ… nói cười vui vẻ.
Bà Trần Thị Thúy, thị trấn Đu tâm sự: Năm nào hội Đền, tôi cũng đến trước là để dâng nén nhang thơm tưởng nhớ vị tướng Dương Tự Minh, sau là xem hội. Tôi nhận thấy, lễ hội Đền năm sau bao giờ cũng tưng bừng náo nhiệt hơn năm trước, nội dung lễ, hội cũng phong phú hơn và người đến Hội cũng đông hơn. Quả vậy, hội Đền Đuổm năm nay có nhiều điểm mới so với lễ hội những năm trước: Thay vì chỉ tổ chức khai hội vào ngày mồng 6 tháng Giêng thì năm nay, huyện tổ chức trong 3 ngày (mồng 5, 6 và mồng 7 tháng Giêng). Về nội dung, ngoài những nghi lễ và trò chơi dân gian như mọi năm, năm nay còn có thêm các gian trưng bày sản vật của địa phương để du khách được tham quan, tìm hiểu sâu hơn về mảnh đất Phú Lương. Gần 20 gian hàng với các sản vật như: Gạo nếp, gạo tẻ, chè, nấm, mật ong, mành cọ… đã thu hút đông đảo người đến tham quan và mua các sản vật.
Chị Nông Thị Duyên, xã Yên Trạch cho biết: Sau khi được thông báo về nội dung lễ hội, chúng tôi đã chuẩn bị tất cả những sản phẩm của địa phương như: Bánh chưng tày, bánh tro, mật ong, rượu nếp, bánh giò, gạo bao thai để mang xuống trưng bày, chỉ loáng buổi sáng đã bán hết. Hy vọng, đây sẽ là cơ hội để Yên Trạch giới thiệu với khách thập phương về những sản phẩm của quê mình.
Trò chơi đu quay tại lễ hội đền Đuổm.
Sau khi tham quan các gian hàng, các đại biểu tiếp tục được tham dự tọa đàm quảng bá du lịch của huyện. Huyện Phú Lương mang đậm nét văn hóa vùng Việt Bắc, là địa phương giàu bản sắc văn hóa dân tộc với những nét đặc sắc của lễ hội cầu mùa, hát Sấng Cộ của dân tộc Sán Chay. Các điểm di tích, du lịch cũng khá phong phú với khu di tích Khuân Lân ở xã Hợp Thành, Nhà bia kỷ niệm Bác Hồ tại xã Phủ Lý… tất cả tạo nên một quần thể có tiềm năng để phát triển du lịch. Trong đó, khu di tích và lễ hội đền Đuổm là một điểm nhấn vì có nhiều nét độc đáo của các dân tộc, thu hút đông đảo du khách thập phương và được tổ chức vào đầu Xuân.
Trong tiết Xuân ấm áp có chút nắng nhẹ càng điểm thêm cho cây cối, hoa, lá thêm lung linh tươi sắc, góp thêm vào lễ hội Đền Đuổm nét tươi mới và nhen vào lòng người một niềm tin vào một năm mới với nhiều điều tốt lành.