Người trẻ đi chùa

14:59, 09/02/2011

Hòa trong không khí thiêng liêng của đất trời  mỗi độ Tết đến Xuân về, như đã thành thói quen, việc đi lễ chùa để cầu an, cầu phúc, cầu lộc... đã trở thành nét đẹp, nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của phần lớn người dân đất Việt. Nếu trước kia, việc đi lễ chùa hầu như chỉ được các bà, các mẹ quan tâm, thì ngày nay, lẫn trong dòng người đổ về các khu vực tín ngưỡng, ta dễ dàng bắt gặp rất nhiều bạn trẻ thế hệ 8X, 9X…

 

Có mặt tại chùa Phủ Liễn, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) vào sáng mùng 3 Tết, chúng tôi bắt gặp một nhóm bạn trẻ đang sắp lễ với những động tác thành thạo không kém gì những người lớn tuổi. Loáng một cái, mâm lễ đã soạn xong với đầy đủ tiền vàng, hoa quả. Mấy bạn trai đi cùng nhanh chóng mang đồ lễ lên điện chính. Lẫn trong khói hương và dòng người đông nghịt, họ cũng cố gắng tìm cho mình một chỗ đứng và lẩm nhẩm khấn vái. Tuy không chuyên nghiệp, bài bản như những người trung tuổi nhưng gương mặt mỗi người đều tỏ rõ tấm lòng thành kính, với mong muốn cầu cho năm mới với nhiều sức khỏe, thành công.

 

Để tìm hiểu về suy nghĩ của những bạn trẻ khi đến đây, chúng tôi đã tranh thủ trò chuyện với nhóm bạn này trong thời gian chờ hạ lễ. Bạn Thu Hiền, ở tổ 2, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) cho biết: Khi cảm thấy nhiều áp lực trong cuộc sống, mình hay lên chùa thắp hương, vãn cảnh. Mỗi lần như vậy thấy lòng mình nhẹ nhàng, thoải mái hơn. Mình nghĩ đi chùa là để được tĩnh tâm nơi cửa thiền.

 

Khác với cô bạn cùng nhóm, chàng sinh viên khoa Cơ khí, Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp (TP.Thái Nguyên) - Vũ Anh Tuấn lại đi chùa vì một mục đích khác: Năm nay, mình tốt nghiệp nên mình muốn lên chùa để xin các chư vị thánh thần phù hộ cho chặng đường “vượt vũ môn” được suôn sẻ. Hy vọng, mình sẽ có một tấm bằng “đẹp”.

 

Giống như chùa Phủ Liễn, tại các đền chùa khác trong thành phố như: đền Xương Rồng, đền Mỏ Bạch, chùa Đồng Mỗ... cũng thu hút rất nhiều bạn trẻ đến cầu may. Chị Nguyễn Thu Hà, người chuyên bán hương hoa, vàng mã tại đền Xương Rồng cho biết: Trước kia, hầu như chỉ có những người trung niên hoặc đã có gia đình mới đi lễ đền, chùa, thì nay, số bạn trẻ đến chùa ngày càng đông, chiếm khoảng 30%.

 

Gần trưa, lượng người tới làm lễ mỗi lúc thêm đông. Hầu hết những bạn trẻ đến đây ngoài việc cầu khấn sự an lành và thành đạt cho cả nhà đều không quên xin sớ cầu bình an. Bên cạnh những chữ Hán nôm ghi điều nguyện ước cho năm mới, thầy viết sớ còn cẩn thận điền vào đó tên tuổi, quê quán của khách. Tại cõi Phật, ngoài các bạn sinh viên còn có thấp thoáng bóng dáng của những cô cậu học trò. Dù còn trẻ nhưng họ khá lịch sự và rất có ý thức trong việc trân trọng lịch sử, văn hóa khi tìm hiểu những thông tin về ngôi chùa. Những bảng nội quy, những điều răn dạy triết lý nhân sinh được trích từ kinh phật mà nhà chùa treo trên tường để chúng sinh giác ngộ được rất nhiều bạn trẻ quan tâm, họ chăm chú đọc rồi nghiền ngẫm và bình luận với nhau. Bạn Chu Hải Yến, học sinh lớp 11A2, Trường THPT Thái Nguyên tâm sự: Những lời răn của phật giúp em tự hoàn thiện bản thân mình. Năm mới, em cầu sức khỏe cho cả gia đình và cầu cho việc học hành của em năm nay được tốt hơn.

 

Chốn cửa thiền là nơi chở che, ôm ấp cho tâm hồn con người. Trong không khí se lạnh của những ngày đầu xuân, thắp một nén nhang giữa không gian linh thiêng của cảnh chùa sẽ mang đến sự thanh thản trong tâm hồn, niềm an lạc trong cuộc sống... Chính vì vậy mà từ nhiều năm nay, đi lễ Phật đầu xuân luôn là nét đẹp văn hóa truyền thống không hề phai nhòa trong tâm hồn người Việt nói chung và lớp trẻ Việt Nam nói riêng.