Phim tư nhân không mặn mà với Cánh diều Vàng?

08:35, 03/03/2011

Giải thưởng Cánh diều Vàng dành cho phim sản xuất trong năm 2010, sắp vào kỳ nước rút, khán giả quan tâm đến hạng mục phim truyện nhựa vẫn băn khoăn tại sao chưa nhiều hãng phim tư nhân tham gia tranh giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam.

 

Theo PGS.TS Trần Luân Kim nguyên Chủ tịch Hội Điện Ảnh Việt Nam và  hiện là Trưởng Ban Giám khảo của thể loại phim truyện nhựa năm nay cho biết: “Các hãng phim tư nhân có hay không tham gia giải Cánh diều Vàng là chuyện riêng của mỗi hãng phim đó. Các hãng phim tư nhân cần có thêm uy tín để khẳng định vị trí trên thị trường.”

 

“Nếu không chắc chắn được giải thưởng thì họ không muốn 'mất công' tham dự. Các hãng này đứng trước việc sống còn của mình nên không thể có chuyện cố tham gia dù không có giải. Bởi vì không có giải sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng của hãng. Thế nên họ có những tính toán riêng,” ông Trần Luân Kim nói rõ thêm.

 

Khi được hỏi về việc tại sao Hội Điện ảnh không có giải thưởng riêng cho các bộ phim đến từ các hãng phim tư nhân, ông Kim cho biết: "Nếu đặt ra giải riêng cho phim của hãng tư nhân thì sẽ rất phức tạp. Nó có thể tạo thành một loại giải hạng hai, giải chiếu cố. Làm vậy sẽ gặp phải những phản đối và đơn vị được trao giải thưởng cũng không thấy thoải mái và vinh dự gì lớn."

 

Tuy nhiên, cũng có thể mở rộng giải cho các phim được đông người xem (phim có doanh thu cao nhất). Và xét theo tiêu chí này thì phim lại cần có thời gian phát hành nhất định thì mới có con số doanh thu. Không thể so sánh phim phát hành lâu rồi với phim mới ra mắt hoặc phim ra đúng “vụ phim” Tết với phim ra trong các thời điểm bình thường khác.

 

Nhận xét về các phim nhựa tranh giải Cánh diều Vàng lần này, ông Kim nói: “Đến ngày 4/3/2011 chúng tôi mới chính thức bắt đầu xem để chấm điểm. Cá nhân tôi chưa xem được đủ trong tổng số 11 phim đề cử vào giải. Thế nên hỏi tôi thích phim nào nhất thì  tôi chưa thể trả lời."

 

Những phim được người xem chú ý là ‘Cánh đồng bất tận’, ‘Long Thành cầm giả ca’, ‘Tây Sơn hào kiệt’…Nhưng theo ý kiến của ông Trần Luân Kim, mặt bằng năm nay chưa thấy có sự nổi bật hay đột biến mạnh.

 

Còn theo bà Nguyễn Thị Hồng Ngát-Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, giải Cánh diều Vàng là giải phim của năm, không thể so Cánh diều Vàng năm này với Cánh diều Vàng năm khác cho dù nó cũng nằm trong chuỗi giải thưởng của Hội Điện ảnh Việt Nam. Cũng không so phim của các hãng của nhà nước với phim của hãng tư nhân để thấy phim từ đâu thành công hơn. Và không thể nói mùa diều Vàng nào ít phim tư nhân thì Giải Cánh diều Vàng năm ấy chưa hấp dẫn.”

 

Khi được hỏi sau một số năm, nếu các phim đoạt Cánh diều Vàng, diều Bạc “so găng, đọ sức” lại trong Liên hoan phim Việt Nam thì có khi lại hoán đổi vị trí, bà Ngát nói: “Không nên so hoa mai và hoa đào hoa nào đẹp hơn!” Chấm giải phim cũng vậy, các cuộc tranh giải khác nhau có những tiêu chí khác nhau. Có khi bộ phim nhận giải Vàng ở cuộc này lại chỉ là Bạc ở cuộc kia và ngược lại.”

 

Theo NSƯT-Đạo diễn Đào Bá Sơn: “Nhiều năm nay, tôi đã không phân biệt phim của hãng phim nhà nước hay hãng phim tư nhân mà tập trung vào đánh giá bộ phim đó như thế nào. Nếu  nhà báo hỏi  trong cùng một thời điểm có lời mời làm phim đến từ hai đơn vị một của tư nhân, một từ hãng phim nhà nước thì tôi sẽ chọn phim nào, tôi xin trả lời ngay: tôi chọn phim có kịch bản hay. Một kịch bản có từ truyền thống văn học của dân tộc. Tôn vinh được chân thiện, mỹ.”

 

Đạo diễn Đào Bá Sơn nhấn mạnh: “Thế nghĩa là không quan trọng phim được làm bởi hãng phim nào mà chỉ là bộ phim đó đã được tốt hay không. Giải của Hội Điện ảnh là giải thưởng của một Tổ chức nghề nghiệp nên đề cao chuyên môn, tính nghệ thuật là tiêu chí quan trọng nên một số hãng tư nhân dù có phim 'ăn khách' cũng chưa thật tin mình sẽ có giải, có lẽ vì vậy nên họ không mặn mà.”/