Bản sắc dân tộc trong đời sống hiện đại

14:22, 13/04/2011

Bản sắc, đặc biệt là bản sắc dân tộc là một khái niệm được nhắc nhiều ở Việt Nam và trên thế giới trong những năm qua. Vào 18 giờ hôm nay (13-4), tại Trung tâm Văn hóa Pháp Hà Nội, vấn đề “Bản sắc dân tộc, bản sắc đa dạng” sẽ được đưa ra bàn luận với sự tham gia của Giáo sư Alain J. Lemaitre và nhà văn Nguyên Ngọc.  

 

Ở một đất nước như nước Pháp, nơi mà ý niệm quốc gia đã có từ rất lâu đời, thì việc một bên là xây dựng khối cộng đồng châu Âu và một bên là phong trào toàn cầu hóa đã khiến cho người Pháp, trong một hoàn cảnh khủng hoảng quốc tế, phải tự thắc mắc về bản sắc văn hóa của mình là gì... Hội thảo “Bản sắc dân tộc, bản sắc đa dạng” sẽ cho thấy việc nói về bản sắc, từ xác định bản sắc cho quốc gia và nói về cộng đồng Pháp ngữ không hề mâu thuẫn mà hoàn toàn ngược lại. Trước hết điều đó đòi hỏi phải hiểu bản sắc của một quốc gia như nước Pháp là gì. Nó cũng đồng thời bao hàm việc hiểu rằng cộng đồng Pháp ngữ, vốn là sản phẩm của một lịch sử được thúc đẩy không chỉ bởi nước Pháp mà bởi cả những nước đã chống lại Pháp và giành lại tự do, là một hình thức mở ra tương lai đầy năng động và một hình thức làm phong phú thêm cho nhau đối với các nước thừa nhận nhau trong một nền văn hóa chung. Từ châu Âu, nước Pháp, với kinh nghiệm của cộng đồng Pháp ngữ. Giáo sư Alain J. Lemaitre cho rằng các bản sắc không hề loại trừ hay mâu thuẫn với nhau, mà trái lại bằng cách mở cửa, trong sự đa dạng và giàu có của các nền văn hóa, chúng ta sẽ có một thế giới năng động hơn, hướng tới sự đổi mới và sáng tạo, và là một thế giới bác ái hơn. Giáo sư Alain J. Lemaitre học ngành Lịch sử và Dân tộc học tại Đại học Paris I - Sorbonne và Đại học Paris VII - Denis Diderot. Với ba tấm bằng Tiến sĩ, ông hiện là giáo sư sử học hiện đại tại trường Đại học Haute Alsace, Mulhouse. Ông cũng là thành viên Trung tâm nghiên cứu kinh tế, xã hội, nghệ thuật và kỹ thuật nơi ông phụ trách nhóm nghiên cứu sự hình thành các bản sắc. Các công trình nghiên cứu của ông liên quan đến lịch sử các tập tính và lịch sử chính trị châu Âu. Ông đã xuất bản nhiều tác phẩm, đặc biệt là: “Vì một lịch sử văn hóa mạo hiểm” ( Strasbourg, 2004), “Những cuộc cách mạng của thế giới hiện đại” ( Berlin, 2006).

 

Ở Việt Nam, nhà văn Nguyên Ngọc - nhà nghiên cứu, chuyên gia về Tây Nguyên, dịch giả của nhiều cuốn sách có giá trị, hiện là Chủ tịch Hội đồng Khoa học Quỹ Văn hoá Phan Châu Trinh lại nghĩ: “Hóa ra cái vẫn được coi là bản sắc cũng có những thăng trầm của nó. Nó chẳng hề là một cái gì đứng im để cho ta có thể khư khư giữ chặt. Nó là một phạm trù lịch sử, được hình thành trong lịch sử, do những điều kiện khác nhau của lịch sử, là hiện tượng động chứ không phải tĩnh. Nó là của con người, tức là một cơ thể sống, và cũng như mọi cơ thể thật sự sống, nó chỉ có thể sống bằng quá trình “trao đổi chất” với môi trường xung quanh. Nó không mâu thuẫn đối lập với hội nhập, thậm chí ngược lại chỉ có thể tồn tại và phát triển bằng hội nhập. Nó sống bằng thường xuyên tiếp xúc, trao đổi với cái khác mình”.

 

Buổi Tọa đàm có chủ đề “Bản sắc dân tộc, bản sắc đa dạng” hy vọng sẽ là không gian cho những suy tư Đông và Tây gặp gỡ, trao đổi về một bản sắc đa dạng trong một thế giới đa dạng...