Trên vùng đất cội nguồn - Phú Thọ, hát Xoan qua hàng ngàn năm vẫn được giữ gìn, bảo tồn như một nét đẹp và tạo nên dấu ấn riêng trong sắc màu văn hoá Việt. Tuy nhiên, trong quá trình đô thị hoá mạnh mẽ như hiện nay, hát Xoan đang dần mai một, đứng trước nguy cơ thất truyền. Tại phường Kim Đức, thành phố Việt Trì, các nghệ nhân đang chung tay “truyền lửa” cho con cháu, lưu giữ “hồn” cho hát Xoan.
Từ thành phố Việt Trì, chúng tôi tìm về phường Kim Đức, cái nôi của hát Xoan Phú Thọ, nơi đây có tới 3/4 phường Xoan cổ của đất Tổ với Phù Đức, Kim Đới, Thét. Khi chúng tôi đặt vấn đề tìm hiểu về hát Xoan, nghệ nhân Nguyễn Văn Đọc - Trưởng phường hát Xoan làng Thét cho biết, hát Xoan xuất hiện từ thời Hùng Vương dựng nước. Hát Xoan hay còn là hát Xuân tức là các cuộc hát tổ chức vào mùa xuân. Đây là loại dân ca lễ nghi, phong tục, gắn với hội mùa, thờ Thành hoàng, gắn liền với lễ hội và nhu cầu tâm linh. Tổng cộng hát Xoan cổ có 14 quả cách (làn điệu) bao gồm hát tràng mai (mời vua), đối rãy cách, nhà ngâm cách, tứ đưa cách, tứ dân cách, ngư thiều cách, xoan thời cách, hồi liên cách, hò chèo cách, xuân - hạ - thu - đông cách và cài huê cách. Mỗi quả cách đều có kép (nam) và đào (nữ), cùng với hai nhạc cụ chính là trống và phách.
Lão nghệ nhân như chìm vào trong dòng hồi ức… Ngày xưa, hát Xoan rất được ưa chuộng, vì thế trong tất cả các đêm hội của làng người ta thường biểu diễn hát Xoan. Làng Thét nhà nhà biết hát Xoan, người người biết hát Xoan. Mỗi khi các phường đi hội, để hát hết 14 quả cách thì phải hát liên tục, có khi thâu đêm. Nhưng trải qua thời gian, cùng với sự đổi thay của lịch sử, nghệ thuật hát Xoan cũng trải qua nhiều biến cố thăng trầm và có nhiều sự mai một. Hiện giờ số người hát Xoan thành thạo ngày càng hiếm đa phần đều đã lớn tuổi. Lớp thanh niên lớn lên rời bỏ làng quê nên dần thấy xa lạ với câu hát xưa. Trong lễ hội của làng, người ta không mấy chú ý đến hát Xoan. Cả năm mới có một lần thực sự được hát hết mình. Nếu không nhanh chóng hướng dẫn, đào tạo một lớp trẻ có lòng mê hát thực sự thì e rằng hát Xoan sẽ đứng trước nguy cơ thất truyền - ông Đọc lo lắng.
Nghệ nhân Lê Xuân Ngũ - Trưởng phường Xoan Phù Đức (Kim Đức) cho biết: Hiện phường Xoan Phù Đức chỉ còn khoảng 30 người, kinh phí hoạt động chủ yếu là tự túc nên cũng rất eo hẹp. Số lượng nghệ nhân còn ít, các kép chính đa phần tuổi đã cao, hầu hết đã từ trên 70 đến 90 tuổi. Các cụ mắt mờ đã mờ, chân đã chậm nên việc theo đi hát rất khó khăn dù vẫn say sưa, vẫn tâm huyết với Xoan. Chỉ buồn một nỗi là lớp trẻ kế cận lại không mấy quan tâm đến hát Xoan. Ngay cả người con trai mà cụ đã truyền cho toàn bộ tinh hoa hát Xoan cũng không thiết tha với Xoan cho lắm. Cứ tình hình này thì chuyện mai một là khó tránh khỏi khi thế hệ chúng tôi không còn nữa, cụ Ngũ chia sẻ.
Ý thức được việc cần gìn giữ và truyền lại di sản quý báu của ông cha từ nhiều năm nay, nghệ nhân Nguyễn Văn Đọc đã đứng ra cùng các nghệ nhân tâm huyết khác trong phường mở lớp dạy hát Xoan cho các cháu thanh, thiếu niên trong làng. Căn nhà cạnh đình làng Thét của ông cứ mỗi độ nghỉ hè lại đông vui hơn bởi sự tham gia tập luyện của các cháu học sinh. Lão nghệ nhân 81 tuổi, tuy sức khoẻ đã không được như thời tuổi trẻ nhưng vẫn tự tay chỉ dạy, uốn nắn cho các cháu từng câu hát, điệu múa. Gọi là lớp học nhưng không có học phí hay bất cứ một khoản đóng góp và sự tài trợ nào, chỉ là tiền do phường Xoan tự xoay xoả. Thầy và trò đến với nhau bằng niềm say mê cháy bỏng là được hát, được đắm mình trong những giai điệu truyền cảm, mượt mà của Xoan.
Ông Đọc tâm sự với chúng tôi, hát Xoan khó nhất là các làn điệu, cách dạy chủ yếu theo lối truyền khẩu, kết hợp với uốn nắn từng câu hát, điệu múa. Để dạy cho các cháu học tập các làn điệu đến khi hát thành thạo tất cả các quả cách phải mất ít nhất là nửa năm trời. Hiện các lớp học hát Xoan của phường Xoan Thét đang thu hút ngày càng đông, đặc biệt có những cháu mới 10, 11 tuổi cũng theo học. Ông Đọc bảo, dạy hát Xoan cho các cháu nhưng cũng chỉ được buổi đực, buổi cái vì các cháu trong năm thì bận học, hè lại phải đi làm phụ giúp gia đình. Lớp cũng chỉ toàn con cháu trong nhà, trong họ vì dễ tập hợp, bảo ban chứ người ngoài ít ai còn thiết tha với loại hình nghệ thuật truyền thống này.
Tuy vậy, ông Đọc vẫn tin tưởng, Xoan vẫn sẽ giữ được sức sống trường tồn của nó vì Xoan gắn liền trong không gian lễ hội văn hoá đượm màu sắc tâm linh, thiêng liêng, trang trọng tại các di tích lịch sử văn hoá gắn với các nhân vật lịch sử, truyền thuyết lịch sử. Nhưng để lưu giữ được hát Xoan cần thêm rất nhiều “ngọn lửa” của những người biết yêu quý, thẩm thấu được những giá trị đích thực của tình đời, tình người. Hiện ở các phường Xoan ở Kim Đức gồm Phù Đức, Kim Đới và Thét những trưởng phường, các nghệ nhân hát Xoan tuổi đời từ 65 đến 90 vẫn luôn miệt mài truyền dạy những làn điệu Xoan cho thế hệ trẻ.
Hát Xoan Phú Thọ đang trong hành trình đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Những cuộc hội thảo, hội diễn, những băng hình về hát Xoan, những bài hát, nhưng ca cảnh đã và đang có sức lan toả mạnh mẽ và đang chờ được thế giới công nhận. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi điều đó, ngay từ bây giờ nếu các cơ quan hữu quan không có phương án bảo vệ khẩn cấp thì di sản văn hoá độc đáo này sẽ dần mai một ở chính nơi nó sinh ra trước khi được thế giới biết đến và vinh danh.