Đề nghị trình UNESCO công nhận Cổ Loa là Di sản thế giới

08:09, 06/04/2011

Chiều 4/4, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Trung tâm Bảo tồn Khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội đã đề nghị Thành ủy, UBND T.P Hà Nội và các Bộ, ngành liên quan xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Khu di tích thành Cổ Loa là Di sản văn hóa thế giới.

Khu di tích thành Cổ Loa thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội, có diện tích bảo tồn gần 500ha, là địa chỉ văn hóa đặc biệt của Thủ đô và cả nước. Cổ Loa có hàng loạt di chỉ khảo cổ học đã được phát hiện, phản ánh quá trình phát triển liên tục của dân tộc ta từ sơ khai qua các thời kỳ đồ đồng, đồ đá và đồ sắt mà đỉnh cao là văn hóa Đông Sơn, vẫn được coi là nền văn minh sông Hồng thời kỳ tiền sử của dân tộc Việt Nam.Cổ Loa từng là kinh đô của nhà nước Âu Lạc thời kỳ An Dương Vương (thế kỷ III tr.CN) và của nước Đại Việt thời Ngô Quyền (thế kỷ X). 

Căn cứ trên dấu tích hiện còn, các nhà khoa học nhận thấy thành có ba vòng, trong đó vòng thành nội rất có thể được làm về sau, dưới thời Ngô Quyền. Chu vi ngoài 8km, vòng giữa 6,5km, vòng trong 1,6km, diện tích trung tâm lên tới 2km. Khu vực thành nội có nhiều di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật như khu đền Thượng thờ An Dương Vương, đình Ngự Triều, am thờ Mỵ Châu và chùa Bảo Sơn.

 

Đền thờ An Dương Vương còn gọi là đền Thượng đứng trên một quả đồi xưa có cung thất của vua. Ngay trước đền thờ là một hồ hình bán nguyệt, giữa có giếng Ngọc.

 

Ở đây có ba bia đá cổ khắc năm 1606. Đền thờ An Dương Vương gồm nhiều cửa, đi vào khu vực chính là điện thờ vua, nằm phía trong hai bên là thờ hoàng hậu và thờ Mẫu. Đình Ngự Triều được xây dựng trên nền điện thiết triều cũ, năm 1907 thời Nguyễn. Dáng vóc vững chãi, bề thế, mái đao vút cong. Tại đây trưng bày nhiều di tích khảo cổ có giá trị. Am thờ Mỵ Châu nằm khiêm tốn dưới gốc đa với vẻ u tịch.

 

Thành Cổ Loa là di tích lịch sử văn hóa quốc gia, được các nhà khoa học đánh giá là "tòa thành cổ nhất, quy mô lớn vào loại bậc nhất, cấu trúc cũng thuộc loại độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của người Việt cổ".