Đến với chợ tình Khâu Vai - Hà Giang

10:03, 28/04/2011

Khâu Vai nằm trong một thung lũng đẹp, xung quanh là những dãy núi cao chót vót, xa hơn một chút là đỉnh Mã Pí Lèng quanh năm mây khói. Từ thị xã Hà Giang, đi thêm gần 150 cây số là đến Mèo Vạc, khoảng 30 cây số đường núi với những núi đá trùng điệp, hùng vĩ du khách sẽ đến Khâu Vai. “Đợi anh hết mùa lanh, đợi anh qua mùa đào Vượt đỉnh Mã Pí Lèng, ta tìm về với chợ tình Khâu Vai...”

 

Chợ tình Khâu Vai còn gọi là “Chợ phong lưu”, có từ năm 1919, chợ họp trên một quả đồi tại thôn Khâu Vai, xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Chợ họp mỗi năm một lần vào ngày 27/3 âm lịch, năm nay đúng vào ngày 29/4 dương lịch.

 

Gọi là chợ, nhưng đây không phải nơi để buôn bán hàng hóa mà là địa điểm, là nơi để những người có mối tình trắc trở, yêu thương nhau thực sự, nhưng vì một lý do nào đó không lấy được nhau, nay tìm đến nhau. Đúng ngày này, họ hẹn nhau về đây để tâm sự, thông báo cho nhau cuộc sống riêng của mỗi người, ôn lại những tình cảm, sự nhớ nhung do xa cách. Và như thế, họ sẽ có thêm nghị lực để vượt qua sóng gió của cuộc sống thường ngày.

 

Có rất nhiều đôi vợ chồng cùng nhau đến chợ; đến nơi, vợ đi tìm bạn của vợ, chồng đi tìm bạn của chồng, họ không ghen tuông mà tôn trọng nhau và coi đó là sự linh thiêng, là bổn phận và trách nhiệm trước cuộc sống tinh thần của người bạn đời. Nhưng sự cho phép đó, những phút giây “ngoài chồng, ngoài vợ” đó chỉ có và được phép diễn ra trong ngày chợ đó, hết ngày 27/3 “cửa lòng” phải đóng lại, mọi hành vi tương tự đều bị coi là vi phạm luật tục và pháp luật, đều có thể bị trừng phạt tùy theo mức độ vi phạm. Phiên chợ tình Khâu Vai độc đáo có một không hai đẹp như một huyền thoại này bắt đầu từ đêm 26 và kết thúc vào chiều tối ngày 27.

 

 Hình ảnh một phiên chợ tình Khâu Vai

 

Bắt nguồn từ một câu chuyện tình lãng mạn đầy tính nhân văn, chợ tình Khâu Vai hôm nay dù đã ít nhiều đổi thay nhưng vẫn giữ được nét đặc sắc, độc đáo riêng. Trong phiên chợ, ta sẽ bắt gặp đâu đó ánh mắt kiếm tìm mải miết và nghe đâu đó văng vẳng lời kèn lá nỉ non hoà trong tiếng gió vi vu như kể lại cho du khách câu chuyện tình ngày xưa, ngày xưa…

 

Chuyện kể lại rằng, thời ấy, Khâu Vai chỉ có người Nùng và Giáy sinh sống. Họ sống riêng thành từng làng và mọi chuyện bắt đầu khi có một chàng trai người Nùng đem lòng yêu tha thiết một cô gái người Giáy ở làng bên. Tình yêu của họ đẹp như bông hoa mùa xuân, như đôi chim lửa tràn đầy sức sống của núi rừng nhưng cha mẹ, họ hàng hai bên ra sức ngăn cản bởi theo lệ thời đó, dân tộc nào chỉ lấy người dân tộc ấy. Hơn nữa, việc dựng vợ gả chồng là việc của cha mẹ nên việc đôi trai gái tự tìm đến nhau là trái với lệ làng…

 

Trước sự cấm đoán của hai gia đình, đôi trai gái quyết định cùng nhau trốn lên núi sinh sống. Điều ấy làm cho mâu thuẫn giữa hai gia đình, hai dòng họ ngày căng thẳng. Không muốn thấy cảnh tượng xô xát giữa hai làng, đôi trai gái đành đau lòng gạt nước mắt chia tay nhau. Họ hẹn ước cho dù không thành vợ thành chồng nhưng mỗi năm sẽ gặp lại nhau vào ngày chia tay (tức là ngày 27/3 âm lịch). Thế là mỗi năm cứ đến ngày hẹn, chàng trai và cô gái lại lên ngọn núi đó gặp gỡ, giãi bày tâm sự… Nhiều năm trôi qua, đến một ngày kia dân làng biết chuyện và vô cùng cảm phục trước tình yêu của đôi trai gái. Họ đã quyết định mở chợ tại ngọn núi, nơi đôi trai gái đã hẹn hò nhau. Mỗi năm chợ họp một lần làm nơi gặp gỡ cho những đôi trai gái vì nhiều nguyên nhân không lấy được nhau, lấy tên là chợ tình Khâu Vai.

 

Theo tiếng địa phương thì Khâu Vai có nghĩa là "song mây" ý muốn nói đây là vùng đất có nhiều song mây nhưng cũng có ý nói tình cảm của đôi trai gái gắn bó, quấn quýt như cây song, cây mây trên các ngọn núi quanh vùng. Câu chuyện hôm qua và cuộc sống hôm nay có cái gì đó hư hư thực thực, đã góp phần tạo nên sức lôi cuốn kỳ lạ về mảnh đất nơi đây.   

 

Khâu Vai bây giờ không chỉ có người Nùng và người Giáy nữa mà còn có người Mông, người Dao cùng sinh sống đoàn kết bên nhau. Các chàng trai, cô gái được tự do tìm hiểu và quyết định hôn nhân mà không gặp phải sự cản trở của các bậc làm cha làm mẹ. Vì thế, chợ tình Khâu Vai không chỉ là nơi hò hẹn của những đôi trai gái lỡ duyên nhau mà còn là nơi gặp gỡ làm quen của nam nữ thanh niên và đã có biết bao đôi trai gái nên vợ thành chồng từ đây.

 Chuẩn bị trang phục đi chợ tình Khâu Vai

 

Đêm 26/3 âm lịch, các chàng trai, cô gái dân tộc hối hả tiến nhanh đến phiên chợ tình. Họ diện những bộ quần áo mới phẳng phiu, đủ màu sắc phục trang của các dân tộc khiến cả phiên chợ rực rỡ như rừng hoa mùa xuân.

 

Lang thang qua các con đường nhỏ, du khách sẽ bắt gặp cái "hồn" của Khâu Vai. Các đôi đã gặp được nhau, đã tìm được nhau, hay đã hẹn được nhau từ trước, lần lượt tìm một chỗ kín đáo để tâm sự.

 

Sáng sớm ngày 27/3 âm lịch, một không khí trong lành mát mẻ, các đôi trai gái, các nhóm bạn, hay cả một gia đình bố mẹ con cái lại cùng nhau ra chợ. Quần áo họ sặc sỡ đủ mọi sắc màu. Một số người có vẻ mệt mỏi vì không ngủ dành cả đêm tâm sự với bạn mình nhưng khuôn mặt luôn tươi cười tràn ngập hạnh phúc.

 

Phiên chợ sáng khác hẳn không khí của phiên chợ đêm qua. Dạo chơi quanh chợ chủ yếu là người dân tộc, lác đác một vài người Kinh và vài ba bạn khách ngoại quốc. Mọi người mua mua bán bán, ăn uống, tâm sự nốt cùng nhau cho đến khi mặt trời lên đỉnh, trước khi chia tay nhau để quay về cuộc sống thường nhật. Bịn rịn, quyến luyến, hẹn năm sau ta lại gặp ở Khâu Vai…