Hội thảo quốc tế về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

14:15, 14/04/2011

Ngày 13/4, tại thành phố Việt Trì (Phú Thọ) đã diễn ra Hội thảo khoa quốc tế về “Tín ngưỡng thời cúng tổ tiên trong xã hội đương đại” (Nghiên cứu trường hợp tín ngưỡng thờ Hùng Vương ở Việt Nam).

 

Đây là hội thảo khoa học quốc tế đầu tiên và có qui mô lớn nhất từ trước đến nay về đề tài này được tổ chức tại Việt Nam do UBND tỉnh Phú Thọ, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức .

 

Hội thảo diễn ra ngay sau chính lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 Âm lịch) nhằm thu thập thêm các ý kiến đánh giá, phân tích về giá trị văn hóa, lịch sử của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của các quốc gia nói chung, Việt Nam nói riêng, trong đó có tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

 

Gần 40 đại biểu quốc tế của 16 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng hơn 100 các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, các trường đại học, các tổ chức chính trị, xã hội và các nhà quản lý văn hóa tham dự hội thảo cho thấy sự quan tâm của các nhà khoa học về tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, đặc biệt là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam.

 

130 tham luận tại hội thảo đã tập trung làm rõ 6 vấn đề: Lý thuyết, phương pháp tiếp cận nghiên cứu tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam và trên thế giới; tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam tập tục, nghi lễ, giá trị lịch sử, văn hóa; tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, sự hình thành, phát triển và giá trị lịch sử, văn hóa; sự biến đổi của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và thờ Hùng Vương trong xã hội đương đại; bảo tồn và phát huy tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và thờ Hùng Vương trong thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa…

 

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một hiện tượng văn hoá mang tính nhân văn và phổ quát cao. Con người luôn có nhu cầu tìm về, hướng về nguồn cội của gia đình, của cộng đồng quốc gia, dân tộc. Sự hình thành và phát triển của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên mang đến cho mỗi cộng đồng những bản sắc riêng. Tuy nhiên, trong xã hội đương đại, tín ngưỡng này chịu tác động của nhiều nhân tố khác nhau và có sự biến đổi theo những xu hướng khác nhau.

 

Ở Việt Nam, thờ cúng tổ tiên là một tập tục có từ lâu đời, ở tất cả các thành phần dân tộc, biểu hiện cho truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn. Vì vậy, người Việt Nam thờ cúng Hùng Vương, những người khai mở nhà nước Văn Lang cổ đại một cách rất tự nhiên. Từ bao đời nay, ở Việt Nam nói chung và ở tỉnh Phú Thọ nói riêng, Hùng Vương đã được coi là thuỷ tổ của dân tộc, một bậc thánh thiêng liêng nhưng gần gũi với người dân và mỗi cộng động làng xã, là điểm tựa tinh thần tạo ra sự cố kết vững bền cho quốc gia, dân tộc.

 

Các đại biểu đều thống nhất khẳng định, thờ cúng tổ tiên là vấn đề tín ngưỡng có tính phổ biến, tính lịch sử và là hiện tượng đặc thù của người Việt. Đặc biệt, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với tư cách là một tín ngưỡng bản địa có mặt ở hầu hết các địa phương, chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc, giúp con người Việt Nam vượt qua nhiều khó khăn, thử thách.

 

Giá trị to lớn nhất của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là tạo nên một tâm thức về cội nguồn quốc gia, dân tộc. Tâm thức này không chỉ là kết quả của nhận thức, mà nó còn là tâm tư, tình cảm, tạo nên sự hòa đồng của cả một dân tộc.

 

Được tổ chức ngay sau ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, Hội thảo khoa học quốc tế Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong xã hội đương đại là bước hoàn thiện trong quá trình lập hồ sơ đề cử Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đồng thời là dịp quảng bá di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với đông đảo các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử thế giới.