Nét "duyên thầm" trong chợ phiên Hà Nội

07:27, 28/04/2011

Hà Nội xưa cũng giống như nhiều vùng quê khác có chợ phiên. Không biết từ lúc nào chợ phiên Hà Nội đã tồn tại trong lòng người thủ đô như một nét văn hóa riêng, như nét “duyên thầm” của mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến này.

 

Trong mấy nghìn ngôi chợ ở khu vực nội thành Hà Nội, chỉ có chợ Bưởi và chợ Mơ là họp phiên theo ngày. Đến với những phiên chợ đặc biệt này, người đi chợ không chỉ được thoả mãn nhu cầu mua sắm theo sở thích của mình mà còn được nhìn, ngắm và cảm nhận không khí phiên chợ giống như một phiên chợ nông thôn ở quê nhà. Bao nhiêu năm tháng trôi đi, hai ngôi chợ đã tạo nên những nét văn hóa khá đặc sắc cho khu vực Hà Thành. Nhưng gần đây, do những biến động của cuộc sống, chợ không thể tiếp tục họp theo nếp cũ nữa và chợ phiên giờ chỉ còn trong kí ức tiếc nuối của người dân thủ đô.

 

 

Chợ Bưởi ngày nay

 

Chợ Bưởi xưa nằm ở phía Tây Thủ đô, gần kề bên Hồ Tây, vị trí hợp lưu của sông Thiên Phù và sông Tô Lịch, thuận lợi về mặt giao thương trên bến dưới thuyền. Người ta thường kể lại rằng, xưa kia bưởi vùng mạn ngược theo dòng chảy trôi về rất nhiều, người ta vớt lên bán và dần dần có thói quen gọi vùng này là vùng Bưởi. Chợ nằm trong khu vực này cũng được gọi luôn là chợ Bưởi. Chợ Bưởi cổ xưa kia chỉ là những dãy lán bằng phên nứa và mang tính chất chợ vùng ven. Là nơi trao đổi, mua bán sản phẩm của các làng nghề vùng Kẻ Bưởi như giấy của các làng Hồ Khẩu, Đông Xã, dụng cụ sản xuất nông nghiệp của vùng Xuân La, Xuân Đỉnh… Chợ họp lúc nào cũng đông người mua bán tấp nập. Chợ Bưởi cũng là nơi thăm thú của nhưng người rảnh rỗi, yêu chim thú, cây cảnh.

 

Ca dao có câu: “Chợ Bưởi một tháng sáu phiên. Ngày tư, tháng chín cho duyên đèo bòng”. Không ai biết rõ chính xác chợ Bưởi được hình thành từ khi nào, nhưng điều không thể phủ nhận đó là chợ Bưởi là một trong những chợ có tính lịch sử, văn hóa vào bậc nhất của mảnh đất Kinh Kỳ.

 

Ngày nay, chợ Bưởi đã xây dựng khang trang, hiện đại, thuộc sự quản lý của Tổng công ty Thương mại Hà Nội, nhưng riêng phiên chợ vẫn được duy trì bằng cách quy hoạch một khu vực riêng để người dân có cơ hội mua bán cây, con giống.

 

Còn chợ Mơ vốn là một chợ của các làng thuộc vùng Kẻ Mơ, thuộc kinh thành Thăng Long cũ. Trải qua quá trình phát triển của Thủ đô, chợ thuộc về địa phận phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Chợ được họp theo phiên vào các ngày 2, 7, 12, 17, 22, 27 âm lịch hàng tháng. Theo các tài liệu cũ, vào khoảng thế kỷ 13, 14, khu vực phía nam Thăng Long có nhiều người sinh sống bằng nghề trồng cây mai lấy quả (còn gọi là quả mơ). Xuất phát từ việc nơi này có các giống mai vàng, mai trắng, mai hồng mà tên địa danh các vùng lân cận cũng được lấy theo tên chữ là Hoàng Mai, Bạch Mai và Hồng Mai. Theo tiếng Hán thì Mai còn có nghĩa là Mơ, vì thế mà vùng này còn có tên nôm là Kẻ Mơ.

 

Không giống như chợ Bưởi, chợ Mơ cũng có bán các giống cây nhưng mặt hàng chủ yếu lại là động vật nuôi trong nhà như chó, mèo, thỏ, chim, cá cảnh. Chợ trở thành điểm lý tưởng của những người say mê vật nuôi trong gia đình. Năm 2007, thành phố ra quyết định phá bỏ chợ Mơ để xây dựng một trung tâm thương mại hiện đại. Các hộ kinh doanh ở chợ Mơ chuyển ra chợ tạm nằm trên phố Kim Ngưu. Kể từ đó, các phiên chợ Mơ chuyển sang họp tại bờ sông Kim Ngưu, gần khu vực chợ tạm. Hàng hóa chính của các phiên chợ là cây trồng và vật nuôi.

 

Nếu chợ phiên như chợ Mơ, chợ Bưởi là chợ của cư dân nông nghiệp lúa nước thì ngày nay, giờ giấc làm việc của đa số cư dân Hà Nội lại rơi vào giờ hành chính. Mà theo thời gian, Hà Nội ngày càng “phình” ra, làm cho chợ Mơ, chợ Bưởi gần nội thành hơn. Nhưng vì biểu thời gian đã thay đổi đã làm cho loại hình “chợ phiên” ở đô thị sẽ bị mất dạng. Ở vùng nông thôn, “chợ phiên” vẫn còn tồn tại và đã có sự biến đổi để thích nghi với kiểu sinh hoạt mới của xã hội, đặc biệt là sự xâm nhập của hàng hoá công nghiệp.

 

Hà Nội bây giờ đã khác xưa nhiều, chợ mọc lên từng ngày, từng giờ. Người Hà Nội đã quen với nhiều loại hình chợ mới, nhưng chợ phiên Hà Nội vẫn mang một vóc dáng riêng, mặc dù chợ phiên Hà Nội ngày nay cũng đã đổi thay đi nhiều. Hàng hóa tại các phiên chợ cũng phong phú, đa dạng hơn. Những dãy lều quán, mái lá lụp xụp giờ đây đã được xây dựng lại khang trang hơn. Song dù cuộc sống ngày càng hối hả, nhưng tại các phiên chợ Hà Nội vẫn giữ được vẻ thanh bình, tĩnh tại của làng quê ngoại thành.