Lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam, hôm nay (23/4) “Ngày hội đọc sách và bản quyền thế giới” đã thu hút đông đảo người yêu sách. Từ sáng, hàng nghìn người đã đổ về sân Văn Miếu Quốc Tử Giám để tham dự sự kiện văn hóa này.
Nhiều chương trình được tổ chức trong ngày này như Cuộc thi vẽ tranh theo sách, Thi xếp sách nghệ thuật, tặng sách giờ vàng, Thi tuyên truyền giới thiệu sách... Nhiều gương mặt nổi bật của nền văn học đương đại tham gia ngày hội như nhà văn Phong Điệp, nhà thơ Vi Thùy Linh, nhà văn Nguyễn Đình Tú, nhà thơ Hữu Việt... Và tất nhiên, không thể thiếu sự góp mặt của nhiều nhà xuất bản có tên tuổi như nhà xuất bản Phụ nữ, nhà xuất bản Hội Nhà văn, nhà xuất bản Thông tin và truyền thông... Hàng ngàn đầu sách được tặng hoặc giảm giá tối đa.
Ngày 23/4 chính thức trở thành “Ngày hội đọc sách và bản quyền thế giới” từ năm 1995, nhằm khuyến khích giới trẻ đam mê đọc sách, thúc đẩy ngành xuất bản phát triển và bảo vệ văn hóa đọc trước sự lấn át của internet và mạng cộng đồng. Bên cạnh việc tôn vinh kho tri thức nhân loại, ngày này hàng năm còn giáo dục ý thức bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trước vấn nạn “đạo” hiện nay.
Cuộc thi vẽ tranh theo sách đã dành được sự quan tâm rất lớn với đối tượng chính là các em thiếu nhi.
Tham dự Ngày hội đọc sách, nhà phê bình văn học, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội Phạm Xuân Nguyên bày tỏ cảm tưởng: "Viết sách là một hành động cô đơn, nhà văn ngồi trước trang giấy. Đọc sách cũng là hành động rất cô đơn, chỉ có chính mình với cuốn sách. Nhưng những hoạt động trong ngày hội sách lại là hoạt động của đám đông, nhằm kêu gọi và kích thích tất cả mọi người có được sự giao lưu và tình yêu với sách. Tôi nghĩ đây là một hoạt động hay và nên được tổ chức thường niên".