Những ngôi mộ gió và đội chiến binh Hoàng Sa

16:16, 18/04/2011

Có lẽ không có hòn đảo nào của Việt Nam lại có nhiều mộ gió như ở đảo Lý Sơn. Tục lập mộ gió gắn liền với đội chiến binh Hoàng Sa.

 

 Vào thế kỷ 19 những người lính theo lệnh vua nhận nhiệm vụ vượt biển đến  trông coi Hoàng Sa: “Hoàng Sa đi có về không. Lệnh vua sai phải quyết lòng ra đi”. Có rất ít người trở về, còn lại gửi thân xác nơi biển cả, mộ gió được lập để ghi công,  tưởng nhớ đến người đã hi sinh.

  

Một thời bi tráng

 

Theo sử sách, từ năm 1815 triều Nguyễn đã “sai bọn Phạm Quang Ảnh thuộc đội Hoàng Sa ra đảo Hoàng Sa xem xét đo đạc thủy trình”. Trong Đại Nam thực lục chính biên của quốc sử triều Nguyễn có ghi: Bính Thân Năm Minh Mệnh thứ 17 (1836). Thanh Đạo Quang năm thứ 16. Bộ Công tâu: Cương giới mặt biển nước ta có xứ Hoàng Sa rất là hiểm yếu, đã phái vẽ bản đồ mà hình thể nó xa rộng, mới chỉ được một nơi. Hàng năm nên phái người đi dò xét cho khắp... không cứ là đảo nào, hòn nào, bãi cát nào cũng phải tường tất đo đạc, vẽ thành bản đồ.

 

Vua y lời tâu, sai Suất đội Thủy quân Phạm Hữu Nhật mang binh thuyền đi mang theo 10 bài gỗ, mỗi bài dài 5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc đến những nơi dựng làm dấu ghi. Mặt bài khắc chữ: “Minh Mệnh thứ 17, năm Bính Thân Thủy quân Chánh đội trưởng Suất đội Phạm Hữu Nhật vâng mệnh đi Hoàng Sa trông nom, đo đạc đến đây lưu dấu để ghi nhớ”.

 

Năm 2009, gia tộc họ Đặng ở thôn Đồng Hộ - xã An Hải đã cung cấp bản gốc sắc chỉ của vua Minh Mạng ghi rõ: Giao cho ông Võ Văn Hùng ở Lý Sơn chọn những người bơi giỏi và khỏe mạnh để gia nhập đội thuyền, giao cho ông Đặng Văn Siểm làm nhiệm vụ dẫn đường. Điều này cho thấy, cách nay 3 thế kỷ, người dân Lý Sơn đã được triều Nguyễn giao nhiệm vụ trông coi Hoàng Sa. Khi đó, hàng năm tráng dân hai xã An Vĩnh, An Hải và một số người trong nội địa lập thành từ 3 đến 5 suất, mỗi suất từ 7-9 người binh phu đi Hoàng Sa bằng thuyền buồm. Vật dụng cấp phát ngoài lương thực đủ ăn trong 6 tháng còn có chiếu, 7 nẹp tre, 3 sợi dây mây và một thẻ ghi tên tuổi, quê quán. Bởi luôn phải đối mặt với nhiều hiểm nguy khi lênh đênh ngoài biển cả, nhiều phần cầm chắc cái chết nên những vật dụng đó được trang bị sẵn, khi chết bó thây thả xuống biển. Để nếu may mắn gặp người vớt được sẽ báo cho người thân đến nhận.

 

Dân gian đảo Lý Sơn còn lưu truyền các câu thơ: “Hoàng Sa trời biển mênh mông. Người đi thì có mà không thấy về. Hoàng Sa mây nước bốn bề. Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa. Bỏ mình vì nước nơi xa. Hãy về hưởng huệ quê nhà Lý Sơn”. Tưởng nhớ những chiến sĩ hi sinh mất thân xác nơi biển cả, những người dân đảo đã lập mộ gió và làm lễ khao lề thế lính Hoàng Sa hàng năm.

 

Ông Nguyễn Tân Thanh phụ trách việc tế lễ ở Âm linh tự - Thôn Tây, xã An Vĩnh cho biết trong tháng 2 âm lịch, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được từng họ tộc tự tổ chức và vào những ngày khác nhau. Còn lễ khao lề thế lính Hoàng Sa chung của toàn đảo Lý Sơn tổ chức vào ngày 16-3 âm lịch tại Âm linh tự - nơi thờ âm linh chiến sĩ trận vong nhất là Hải đội Hoàng Sa kiêm quân Bắc Hải đã hi sinh, cầu siêu cho âm linh chiến sĩ được siêu thoát. Năm nay Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa diễn ra vào ngày 18-4-2011 dương lịch.  

 

Tưởng niệm âm linh 

 

Xưa kia trước khi tiễn quân ra Hoàng Sa, người dân làm hai lễ: lễ khao lề thế lính Hoàng Sa và lễ khao lề tế lính Hoàng Sa. Lễ “thế” có mục chính là thả những hình nhân trên chiếc ghe bằng thân chuối ra biển thế mạng với ý nghĩa là gửi hết những xui rủi của những người sắp đi vào những hình nhân ấy. Lễ “tế” là cúng, cầu linh hồn những chiến sĩ đi trước đã hi sinh phù hộ cho những người đi sau. Sau này nhập chung và gọi là Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.

 

Lễ khao lề ở đảo Lý Sơn quy mô từng năm có thể khác nhau tùy vào kinh phí tổ chức nhưng  luôn đầy đủ các lễ tế, lễ cầu siêu, lễ thả thuyền và hình nhân thế mạng. Những lời văn hào khí, bi tráng của Chúc văn khao tế chiến sĩ Hoàng Sa, Trường Sa truyền từ bao đời nay lại vang lên trong ngày này:

 

“Hỡi ơi! Đất Việt trời Nam nghĩ tưởng chiến sĩ hi sinh từ thủa nọ; Cho hay sinh ký tử quy, đi có về không, thân đã mất mà danh ấy thọ.

 

Xót thương thay! Những chiến sĩ tuân lệnh Triều đình bảo vệ biên phòng - lãnh hải trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã liều thân vì tổ quốc, son sắt một lòng, ngang dọc chí nam nhi, phong ba dồi dập, tuyết sương chẳng quản, mưa gió chẳng sờn, thề quyết bảo vệ biên cương bờ cõi!

 

Hoàng Sa, Trường Sa lãnh hải, biển cả mênh mông, tháng năm vô định biết mấy phen thề non hẹn biển, quyết một lòng chiến đấu đến cùng, mong ơn trên soi thấu tấm kiên trinh, trường tranh đấu biết đâu là số mệnh.

 

            

 

    Thả thuyền và hình nhân thế mạng trong lễ khao lề thế lính Hoàng Sa

 

Ôi! Tiếc cho khi lỡ bước giữa dòng, nào kịp thấy ít nhiều ơn vũ lộ. Trường chinh chiến hoặc là oan hay chẳng, hội thăng bình chớ nghĩ rằng không, cơ huyền diệu hoặc thăng trầm chưa rõ!

 

Thiêng thì về cố quận để hương thơm đèn sáng. Kiếp tái sinh trở lại thăng quan. Đã anh hùng dù sinh tử chớ nề. Thiêng thì giúp Hoàng triều giữ vẹn biên cương, duy vạn kỷ vẫn trường tồn ngôi báu, hộ hương thôn nhân vật phụ khương, quốc thái dân an, rạng danh cổ độ. Ngưỡng lại Âm linh chiến sĩ phù trì chi gia huệ giả. Phục duy cẩn cáo!

 

Việc tổ chức lễ khao lề và lập mộ gió cho người mất xác ngoài biển khơi trở thành phong tục đã 3 thế kỷ nay của người dân đảo Lý Sơn. Dù thi hài không còn nhưng linh hồn của những người đã khuất vẫn còn mộ gió để trở về với đất mẹ. Tại sao lại gọi là mộ gió mà không là mộ sương hay mộ nắng? Những vị bô lão trên đảo cũng chỉ biết xưa gọi sao, nay kêu vậy. Có lẽ sương chỉ có ban đêm, nắng chỉ có ban ngày. Chỉ có gió hoang hoải suốt ngày đêm, ru mãi âm linh những người con đất Việt đã yên giấc ngàn thu vì đất nước.