Cần giữ quỹ đất cho di tích lịch sử

16:55, 10/05/2011

Trước thực trạng, nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh đang bị xuống cấp, xâm phạm nghiêm trọng, việc quy hoạch, mở rộng diện tích đất có di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh là rất cần thiết. Theo kế hoạch, trong năm 2011 này, diện tích đất dành cho các di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh trên cả nước sẽ tăng lên 25.000ha (tăng 8.000ha so với năm 2010). Nhưng liệu quỹ đất dành cho di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh có được “tôn trọng” hay không lại là chuyện khác...

 

Hiện tổng diện tích đất di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trong cả nước có khoảng 17.000ha, tập trung chủ yếu ở vùng Trung du miền núi Bắc Bộ và Đồng bằng sông Hồng, với những khu di tích, danh thắng nổi tiếng như Vịnh Hạ Long, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Cố đô Huế, Di tích Mỹ Sơn, phố cổ Hội An, Hoàng thành Thăng Long... Cùng với 40.000 di sản văn hóa phi vật thể và vật thể, trong đó có 5.347 di tích cấp tỉnh, 3.018 di tích cấp quốc gia, có 5 danh thắng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa và di sản thiên nhiên thế giới.

 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong việc quản lý và sử dụng đất di tích, thắng cảnh, hiện môi trường thiên nhiên của một số di sản bị lấn át do những công trình xây dựng bao quanh có quy mô quá lớn cả về chiều cao và diện tích xây dựng, làm cho các di sản này trở nên nhỏ bé và chật chội. Tình trạng ô nhiễm do phát triển sản xuất, cơ sở hạ tầng, dịch vụ... trong các khu di tích, danh thắng đã và đang xảy ra ngày càng nghiêm trọng. Nhất là không gian của di sản bị lấn chiếm để làm nhà ở, cơ sở dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, công sở và sử dụng vào những mục đích gây bất lợi cho di sản.

 

 

Thành cổ Sơn Tây bị làm mới

 

Không thể ngồi yên nhìn di tích ngày càng bị biến dạng, xâm lấn, trong Chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hóa năm 2011-2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất Chính phủ chi cho việc tôn tạo các di tích giai đoạn này là 15.400 tỷ đồng. Trước đó, trong Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2006-2010, chúng ta đã tu bổ tổng thể 130 di tích; hỗ trợ chống xuống cấp cấp thiết, sửa chữa nhỏ 810 di tích; thực hiện 45 dự án sưu tầm văn hóa phi vật thể; hỗ trợ lập hồ sơ khoa học 4 kiệt tác văn hóa phi vật thể trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới...

 

Nếu Chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hóa năm 2011-2015 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất được thông qua, dự kiến mỗi năm, chúng ta sẽ tu bổ được tổng thể từ 50 đến 60 di tích, hỗ trợ chống xuống cấp 100 - 150 di tích. Như vậy, sẽ có nhiều dự án tu bổ di tích quốc gia đặc biệt và cấp quốc gia còn dở dang được tiếp tục đầu tư triển khai như: Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Tháp Chăm Mỹ Sơn, Đền Hùng, Cố đô Hoa Lư; Côn Sơn, Kiếp Bạc, di tích cách mạng - kháng chiến tiêu biểu ATK Việt Bắc, dự án đường mòn Hồ Chí Minh...

 

Việc đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia đang bị xuống cấp, xâm hại là việc làm cấp thiết, nếu không quỹ đất của những di tích này sẽ dần biến mất... Hơn 10.000 tỷ đồng cho trùng tu tôn tạo di sản. Con số này quả là khổng lồ trong thời buổi “bão giá” hiện tại. Liệu rằng sự quan tâm “quá mức” này sẽ làm tốt hay ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều di sản?

 

Dư luận năm 2010 và trước đó rất quan ngại trước thực trạng nhiều di tích lịch sử văn hóa quốc gia bị xâm hại yếu tố nguyên gốc và sai lệch với kết cấu, kiến trúc ban đầu. Đầu tư là cần thiết nhưng theo ý kiến của một số chuyên gia, trước khi trùng tu các nhà khoa học nên nghiên cứu kỹ các giải pháp, tránh việc chạy theo thành tích, chào mừng sự kiện...