Đền đồng Cổ và hội thề “Trung hiếu”

10:15, 06/05/2011

Đền Đồng Cổ ven Hồ Tây được xây dựng năm 1028, thời Lý. Ngôi đền thờ thần Trống Đồng rất hiển linh, gắn liền với hội thề "Trung hiếu" với đạo lý sâu sắc, bắt đầu từ đời vua Lý Thái Tông; về sau lễ hội thề này vẫn được duy trì ở thời Trần và Lê. Ngày nay, lễ hội đền Đồng Cổ ở Hà Nội được tổ chức vào ngày 4 tháng Tư âm lịch, đã mô phỏng lại hội thề lịch sử năm xưa...

 

Ở Thăng Long có hai nơi thờ thần Đồng Cổ: Đền Đồng Cổ ở ven Hồ Tây (phường Bưởi) và miếu Đồng Cổ ở thôn Nguyên Xá, xã Minh Khai, huyện Từ Liêm. 

 

Đền Đồng Cổ ở Bưởi được xây dựng từ thời Lý vào năm 1028 ở làng Đông, nay ở số 353 đường Thụy Khuê, phường Bưởi, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.

 

Sách Việt điện u linh (thế kỷ XIV) viết rằng, năm 1020 Thái tử Phật Mã (sau này là vua Lý Thái Tông) vâng mệnh vua cha đi đánh Chiêm Thành, kéo quân từ Thăng Long vào phía Nam, dừng chân tạm trú tại khu vực đền núi Đồng Cổ thuộc làng Đan Nê - Ái châu, nay thuộc xã Yên Thọ, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa - đã nêu ở trên).

Đến giờ Tý (khoảng 23 giờ đến 1 giờ sáng) bỗng từ ngoài có tiếng vọng lại vang dền như sấm. Phật Mã thấy bóng một người cao to chừng 8 thước (3,2m) hiện ra khuôn mặt phong sương, râu cứng, mặc áo giáp bào, tay cầm binh khí đứng trước mặt Phật Mã nói: “Ngài đi đánh giặc, tôi giúp một tay”. Phật Mã đem quân vào đến Tân Bình (Quảng Bình) thì đánh tan giặc... Thắng trận, trở về, Thái tử Phật Mã đến núi Đồng Cổ làm lễ tạ.

 

Sách Toàn thư (Thế kỷ XV) kể thêm: Tám năm sau (năm 1028), trước hôm Lý Thái Tổ qua đời một ngày (mùng 3 tháng Ba âm lịch), lại được thần Đồng Cổ báo mộng rằng có ba tước vương sẽ nổi loạn... Phật Mã vâng lời cùng tùy tùng cấp tốc về kinh đô, quả như thần đã báo mộng. Khi Lý Thái Tổ vừa băng hà, ba con trai là Đông Chinh Vương, Vũ Đức Vương và Dực Thánh Vương đưa quân vào ém trong Cấm Thành, toan đánh úp. Do có phòng bị, lại được các tướng Lê Phụng Hiểu, Lê Nhân Nghĩa giúp, nên Thái tử đã dẹp được cuộc nổi loạn này. Mười ngày sau khi lên ngôi, Phật Mã (tức vua Lý Thái Tông, 1028 – 1054) cho xây ngay một ngôi đền thờ thần Đồng Cổ ở bên Hoàng thành và quyết định lấy ngày 25 tháng Ba tiến hành hội thề tại đền. Trước đền đắp một đàn cao, xung quanh cờ xí rợp trời, đội ngũ chỉnh tề, giáo gươm rợp đất. Giữa đàn là thần vị Đồng Cổ, quan giám thị điều khiển hội thề. Bách quan văn võ từ phía Đông đi vào đền, đến trước đàn, quì trước thần vị, đọc lời thề: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, Thần minh chu diệt”.

 

Về sau vì ngay hội thề trùng với ngày kỵ của vua, nên hội thề chuyển sang ngày 4 tháng Tư (âm lịch). Các đời vua Lý đều giữ lệ thề ấy.

 

Đến thời Trần cũng tiếp tục giữ lệ này. Sách Toàn thư chép: Hằng năm vào ngày mùng 4 tháng Tư, Tể tướng và trăm quan, hồi gà gáy đến trực ngoài cửa thành, mờ mờ sáng vào triều. Vua ngự ở cửa Hữu Lang. Trăm quan mặc nhung phục làm lễ lạy rồi lui ra. Đầy đủ nghi trường theo hầu ra cửa Tây kinh thành, đến đền Đồng Cổ, họp nhau thề: “Làm tôi hết lòng trung, làm quan trong sạch, ai trái lời thề này, Thần minh giết chết”. Đọc xong, quan Tể tướng sai đóng cửa đền lại để điểm danh, người nào vắng mặt thì bị phạt 5 quan tiền. Ngày hôm ấy, con trai, con gái bốn phương đổ về xem chật ních cả đường phố.

 

Lễ hội Đồng Cổ gắn với Trống Đồng đó là biểu hiện sức mạnh vật chất, tinh thần cổ truyền của dân tộc. Hội thề “Trung hiếu” đền Đồng Cổ là lễ hội độc đáo, có ý nghĩa giáo dục đạo đức và truyền thống dân tộc sâu sắc.

 

Cho đến nay đền Đồng Cổ vẫn giữ được tục lệ hội thề “Trung hiếu” truyền thống. Cứ ngày 4 tháng Tư âm lịch hằng năm, chính quyền và nhân dân lại mở hội. Tham gia lễ hội không chỉ có dân vùng Bưởi mà còn có đông đảo bà con các vùng khác.

 

Đền Đồng Cổ ở Bưởi hiện còn quy mô kiến trúc không lớn, bao gồm: Tam quan, Đền chính, Hậu cung. Chính giữa Hậu cung là hương án thờ, trên đặt long ngai bài vị - áo mũ thần Đồng Cổ. Đền Đồng Cổ còn bảo lưu nhiều di vật có giá trị, trong đó phải kể đến 12 đạo sắc phong qua các thời Lê - Tây Sơn - Nguyễn. Đền được trùng tu lại năm 2009 - 2010 nhân Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

 

Đền Đồng Cổ bên Hồ Tây có vị trí quan trọng, gắn liền với hội thề “Trung hiếu” độc đáo và đặc sắc của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Ở hai cột hoa biểu của đền Đồng Cổ có đắp đôi câu đối với nội dung rất hay:

 

Bát diệp sơ, Đồng Cổ sơn ngôn, lịch đại bao phong lưu ngọc điệp,

Thiên tải hậu, Chu Bàn hải thệ, nhất tâm trung hiếu phụng kim cương.

 

Tạm dịch:

 

Tám đời vua Lý, Đồng Cổ lời xưa, các triều phong thần còn lưu sắc ngọc.

Ngàn năm trải, Đàn Thề ghi tạc, một lòng trung hiếu ánh vàng son.

 

Trên bức ván nê (nối giữa gian Trung tế và Tiền tế), có bức hoành phi đề bốn chữ lớn: “Đồng Cổ linh từ”. Hai bên cửa phụ thông với gian Trung tế có đôi câu đối với nội dung sâu sắc:

 

Toàn bằng Thanh Hóa Sơn Đông linh tích trứ,

Bất hủ Hoàng Long Thành Đồng ngưỡng tiên truyền.

 

Tạm dịch:

 

Dựa vào Thanh Hóa Nê Sơn linh tích nổi,

Bất hủ Long Thành Đồng Cổ hội thề lưu.

 

Hàn lâm viện Thừa chỉ Trần Bá Lãm (1758 – 1815) có thơ đề vịnh về đền như sau:

 

Liên hoa bát diệp mộng sơ tỉnh

Hà xứ sơn thần tự hiển linh

Tha niên Trần Cảnh di thần khí

Dao vọng minh đàn thảo sắc thanh.

 

Tạm dịch:

 

Hoa sen tám cánh mộng vừa tỉnh

Thanh xứ sơn thần đã hiển linh

Năm nào Trần Đế di thần khí

Xa ngắm đàn thề cỏ vẫn xanh.