Qua bao biến cố của lịch sử, văn hóa cồng chiêng vẫn chiếm vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của cộng đồng dân tộc Cơtu, Ve, Tà Riềng ở Quảng Nam.
Trống chiêng gắn bó mật thiết với đời sống, tâm hồn con người để diễn tả niềm tin, niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động và sinh hoạt hàng ngày. Liên hoan “Âm vang cồng chiêng” lần thứ I năm 2011 của huyện Nam Giang (Quảng Nam) được tổ chức mới đây, không chỉ đáp ứng được mong mỏi của người dân, là hoạt động cụ thể thực hiện Nghị quyết TW 5 khóa VIII của Đảng; mà còn là hoạt động văn hóa thiết thực chào mừng 121 năm sinh nhật Bác Hồ; chào mừng cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử Đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.
Đánh thức niềm tự hào dân tộc
Đêm khai hội, hàng ngàn người dân địa phương đã về hội tụ kín sân vận động Văn hóa - Thông tin của huyện Nam Giang, nơi diễn ra chính thức đêm Liên hoan “Âm vang Cồng chiêng” của huyện lần I năm 2011. Hơn 250 nghệ nhân, diễn viên của 12 xã, thị trấn đã mang đến cho Lễ hội những âm thanh và bản sắc văn hóa của mình thông qua cồng chiêng.
Dưới ánh lửa bập bùng, bà con thả hồn vào nhịp điệu của trống, chiêng, đinh tút… rộn ràng vang vọng. Tiếng trống, tiếng chiêng như gợi lại những ngày hội của các thôn làng dân tộc Cơtu, Ve, Tà Riềng; như đánh thức niềm tự hào trong mỗi con dân của huyện Nam Giang về nét đặc sắc văn hóa của dân tộc mình.
Để chuẩn bị cho Liên hoan, từ nhiều tháng nay, các xã, thị trấn đã tập trung nghệ nhân, diễn viên tập luyện nghiêm túc, rút kinh nghiệm sau mỗi lần tập. Đêm đến, sau một ngày lên nương rẫy, bà con lại kéo nhau đến sân nhà Gươl, nhà Moong của làng tập luyện say sưa.
Trên nền những điệu múa truyền thống T’tung, Zază, các nghệ nhân và diễn viên không chuyên có những sáng tạo làm cho phần trình diễn thêm sôi động và hấp dẫn, tạo nên những sắc thái phong phú cho đêm diễn. Điều này còn thể hiện ý thức bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc Cơ tu, Ve, Tà Riềng.
Sản phẩm du lịch văn hoá trong tương lai
Qua Liên hoan “Âm vang Cồng chiêng” lần này, các đoàn đã tái hiện được lễ hội của các dân tộc bản địa như: Lễ hội cầu mùa, lễ hội mừng năm mới, mừng lúa mới, đám cưới…; cầu Yàng, cầu thần núi, thần sông, thần mưa, thần gió… cho mùa màng tốt tươi, nhân dân được bình yên… Ai cũng cố gắng để múa cho đẹp, đánh chiêng, đánh trống cho thật hay.
Diễn viên A Rất Sự của đội xã Chà Vàl, huyện Nam Giang, bộc bạch: “Tôi vô cùng tự hào về nét văn hóa của dân tộc mình! Vì dân tộc mình, chúng tôi cố gắng tập luyện và xuống huyện để tham gia Liên hoan bởi đây là lần đầu huyện tổ chức, nên tất cả mọi người ai cũng hồ hởi và vui mừng hưởng ứng tham gia. Tôi mong rằng, huyện sẽ thường xuyên tổ chức những cuộc thi, liên hoan như thế này để chúng tôi có cơ hội quảng bá, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc. Đồng thời được giao lưu, học hỏi văn hóa của các dân tộc anh em khác”.
Liên hoan “Âm vang Cồng chiêng” sẽ được huyện Nam Giang tổ chức 2 năm một lần nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể của các dân tộc sinh sống trên địa bàn, đồng thời định hướng cho phát triển du lịch trong tương lai.
Ông Trần Dư, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nam Giang, cho biết: “Tại Liên hoan lần này, chúng tôi giữ nguyên gốc không gian biểu diễn của đoàn nghệ nhân các dân tộc bằng cách đốt lửa, biểu diễn ngoài trời chứ không áp dụng hình thức sân khấu hóa. Thông qua đó để chuyển tải nét đẹp, độc đáo, linh thiêng của trống chiêng, cồng chiêng và các nhạc cụ khác như đinh tút, sáo các dân tộc Cơ Tu, Ve, Tà Riềng… Chúng tôi sẽ tổ chức liên hoan định kỳ 2 năm một lần. Đây cũng là hoạt động trong định hướng của huyện, nhằm tạo ra một sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng của địa phương để thu hút khách du lịch trong tương lai”.