Hôm nay 11-5 (tức ngày 9 tháng tư âm lịch), Hội Gióng ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm (Hà Nội), tưởng nhớ công đức Phù Đổng Thiên Vương (Thánh Gióng) vào chính hội.
Hội trên quê hương Ngài trong năm đầu tiên đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được tổ chức long trọng hơn nhưng vẫn giữ nguyên các nghi thức diễn xướng vốn có như một thông điệp chuyển tới bạn bè trong nước, quốc tế rằng Hội Gióng đã, đang và sẽ được chính cộng đồng sinh ra nó gìn giữ, phát huy.
Diễn xướng độc đáo
Hội Gióng ở Phù Đổng có 5 làng tham gia, gồm Phù Dực, Phù Đổng, Đổng Viên (xã Phù Đổng), Đổng Xuyên (xã Đặng Xá, Gia Lâm) và Hội Xá thuộc phường Phúc Lợi (Long Biên).
Ông Hoàng Đức Cường, Chủ tịch UBND xã Phù Đổng cho biết: Vẫn như mọi năm, mở đầu ngày chính hội là lễ rước cờ từ Đền Mẫu về Đền Thượng với sự tham gia của hàng trăm người, thể hiện sức mạnh của đội quân Thánh Gióng. Đến đầu giờ Ngọ (khoảng 11 giờ), phường Ải Lao diễn trò săn hổ trước Đền Thượng mang ý nghĩa thiêng liêng, sức mạnh đoàn kết có thể chiến thắng thú dữ. Trong khi đó, ở cuối làng Đổng Viên, trên bãi Đống Đàm cạnh hồ sen - tượng trưng cho trận địa địch, 28 nữ tướng địch đã dàn trận. Tiếp đó là hội trận tái hiện đội quân Thánh Gióng xuất quân đánh giặc với phường áo đỏ, áo đen với ông tiểu hổ dẫn đoàn ca vũ Ải Lao, ông hiệu Chiêng, hiệu Trống, hiệu Cờ, đội quân phù giá tháp tùng xe Long Mã, rồi đến cuộc giao chiến với giặc được hình tượng hóa qua ba ván múa cờ hết sức độc đáo của ông hiệu Cờ. Ván cờ thứ ba kết thúc, nghĩa là quân ta đã thắng.
Sau trận đánh Đống Đàm là trận đánh ở Soi Bia. Tương truyền, sau khi giành thắng lợi, đại quân Thánh Gióng đang ăn mừng chiến thắng ở Đền Thượng thì nhận được hung tin quân địch phản kích, bao vây quân ta. Ngay lập tức, đội quân Thánh Gióng xung trận lần thứ hai. Trận địa ở Soi Bia được bố trí tương tự ở Đống Đàm, chỉ khác là cờ được phất từ trái sang phải, ngược chiều với trận đánh thứ nhất. Ván thứ ba kết thúc thì tiếng trống, chiêng nổi ba hồi vang rền, báo tin quân ta thắng trận hoàn toàn. 28 tướng giặc phải rời kiệu, quỳ gối chắp tay xin hàng. Lúc này, ông thủ từ bên phía đại quân đến trước hai nữ tướng chỉ huy, tước kiếm, lột mũ áo và múa kiếm xung quanh hai người này, tượng trưng cho sự hành quyết. Các nữ tướng còn lại được tha bổng.
“Hội Gióng ở làng Phù Đổng là hội trận mà không có gươm đao, tất cả được tái hiện bằng biểu tượng. Đó là hệ thống biểu tượng có những tầng ý nghĩa sâu xa, lâu đời, nhưng cũng có tầng ý nghĩa mới mẻ, cô đọng; đồng thời thể hiện sự nhân nghĩa, khoan hồng của quân và dân ta từ ngàn đời nay". - ông Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện Văn hóa - Nghệ thuật Việt
Hội của cộng đồng
Hội Gióng ở làng Phù Đổng hằng năm thu hút hàng nghìn người trực tiếp tham gia và hàng vạn người tham dự. Năm nay, Hội Gióng đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại nên số người dự hội chắc chắn sẽ tăng lên. Bởi thế, công tác chuẩn bị được chính quyền và nhân dân xã Phù Đổng bắt đầu từ cuối tháng Hai âm lịch, trong đó việc chọn người đóng ông Hiệu, cô tướng, phù giá, các phường áo đỏ, áo đen... được tiến hành kỹ lưỡng.
Theo tục lệ, ai được chọn vào vai ông Hiệu là niềm vinh dự cho gia đình, dòng họ và được dân làng kính trọng gọi bằng "ông Hiệu" đến hết đời. Vào vai các nữ tướng giặc Ân là các cháu thiếu nhi khỏe mạnh, xinh đẹp dưới 13 tuổi; đội phù giá từ vài chục đến hàng trăm người ở mọi lứa tuổi cũng phải trải qua quá trình tập luyện công phu. Anh Nguyễn Mạnh Tường vào vai ông Hiệu Cờ cho hay: "Chuẩn bị cho lễ hội năm nay, tôi cùng 70 thành viên khác trong họ đã tập luyện suốt nửa tháng. Kinh phí mà gia đình tôi bỏ ra để mua trang phục, làm lễ rước… lên tới hàng chục triệu đồng, song với mong muốn gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương, chúng tôi lấy đó là niềm vinh dự". Ngoài nghi lễ truyền thống, Hội Gióng năm nay còn có chương trình biểu diễn văn nghệ và nhiều hoạt động thể thao khác.
Để lễ hội diễn ra trật tự, xã Phù Đổng đã bố trí 2 bãi đỗ xe, khách đi từ trung tâm Hà Nội sang có thể đỗ xe ở bãi gần khu vực di tích, khách đi từ hướng Bắc Ninh lên có thể đỗ xe ở bãi gần sân lễ hội (bãi Soi Bia). Xã cũng đã phối hợp với công an huyện phân công cán bộ làm công tác bảo đảm an ninh trật tự rải đều ở các khu vực diễn ra lễ hội. Hệ thống cửa hàng kinh doanh dịch vụ đã được tuyên truyền, phổ biến, ký cam kết về việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, không bắt ép du khách, không làm ảnh hưởng tới cảnh quan môi trường lễ hội…
Được biết, sau khi Hội Gióng được UNESCO vinh danh, xã Phù Đổng đã tổ chức giảng dạy chuyên đề về Hội Gióng trong các trường học trên địa bàn nhằm truyền tình yêu di sản cho thế hệ trẻ.