Chớm hè, đã thấy cái nóng gay gắt len vào từng góc phố, đã nghe tiếng ve râm ran trên những con đường quen thuộc, lại thấy nao lòng về những mùa hè đã qua, nhớ những món ăn giản dị cùng ta đi suốt những tháng năm tuổi thơ chân lấm tay bùn. Sớm nay ra chợ Thái, bất chợt gặp cụ già lưng còng bán vội mớ rau tập tàng, lâu lắm rồi giữa phố xá ta mới nhìn thấy những loại rau đồng quê ấy và ký ức của những ngày thơ bé với bát canh rau tập tàng ngọt lịm chợt ùa về.
Chữ "tập" nghĩa là thâu họp lại, "tàng" là cỏ hoang dại nhưng không độc và ăn được. Hái đủ thứ rau cỏ miễn nó không độc, nấu nồi canh rau đủ thứ, có thứ không biết tên nên cứ gọi là rau tập tàng.
Đọc ở đâu đó theo kinh nghiệm dân gian, rau tập tàng tổng hợp nhiều loại, mỗi thứ là một vị thuốc quý, chẳng hạn như rau tần ô trị ho, nhức đầu, đau mắt; lá mồng tơi, giúp hạ nhiệt, lợi tiểu, lá lốt vị cay cay mùi thơm thơm tăng thêm hương vị cho nồi canh: chống nôn mửa, đầy hơi, lá lốt thường đi đôi với lá sân và giá trị của hai loại lá này trị đau bụng; lá vông là vị thuốc an thần, người ăn sẽ ngủ ngon giấc, lợi tiểu và chống dị ứng, rau ngót cung cấp nhiều vitamin, muối khoáng, lipid, glucid; rau má là vị thuốc mát dù vị có hơi đăng đắng sẽ giải độc giải nhiệt, lợi sữa ra, chữa bệnh về gan và phổi; rau sam là một loại kháng sinh tốt có khả năng chữa lành bệnh trực tràng, rau lang là thuốc nhuận tràng hiệu nghiệm nhất; rau dền, rau bát bát, kích thích tiêu hoá. Ngoài ra còn có nhiều món rau cứ mọc tự nhiên, không ai trồng chẳng ai chăm sóc mà vẫn tồn tại và là vị thuốc nam như rau trai, rau cỏ hôi, rau tàu bay...vẫn được xem là bà con dòng họ của rau tập tàng.
Sáng mùa hè thức dậy, mắt nhắm mắt mở thò chân xuống giường vớ ngay cái rổ chia nhau đi hái rau tập tàng quanh nhà: lá vông non, lá tầm bóp, đọt rau ngổ, rau đay, rau ngót, lá chùm quân, chua me, dền cơm... thế là đủ rau nấu một nồi canh mát ruột. Nấu rau tập tàng rất đơn giản. Rửa rau cho rạch, thái vừa phải, nếu thái nhỏ quá sẽ làm cho rau bị mềm mất ngon. Chờ cho nước bắt đầu sôi, nhanh tay vớt bỏ bọt để giữ cho nước canh được trong, thêm chút nước mắm cho vừa ăn. Đổ hết rổ rau vào, đậy nắp vung cho kín, tiếp tục giữ lửa chờ tới khi nồi canh sôi bùng lên thì bỏ nắp vung ra và nhắc nồi canh xuống ngay. Thế là có một nồi canh tập tàng.
Hồi tưởng lại thuở xưa, chan canh rau tập tàng đầy bát cơm, cứ thế mà chén tì tì, no bụng hồi nào không biết. Cơm nguội hay cơm nóng ăn cùng cà muối trắng giòn tan và canh rau mùi vị đủ thứ ngọt lịm. Chẳng cho thêm mì chính, chẳng có tôm tép khô, cứ rau nguyên bản mà nấu lên cả nhà quây quần với bữa cơm giản đơn như thế, người lớn thì rủ rỉ bàn chyện trong nhà, trẻ con giành nhau kể chuyện ngoài đồng, ngoài ruộng, chí chóe mà vui, loáng cái nồi cơm đã hết veo.
Tôi sinh ra và lớn lên ở thành phố, nhưng tuổi thơ tôi vẫn gắn bó với những mớ rau tập tàng bởi ngày tôi còn bé trong thành phố vẫn tồn tại những qua đồi, vẫn tồn tại những ruộng lúa, ruộng khoai, nhờ đó mà rau tập tàng vẫn còn chỗ trú ngụ. Rau tập tàng mỗi mùa mỗi loại không giống nhau. Ngay cả mớ rau hôm qua hái cũng khác mớ rau ngày hôm nay cho nên mỗi nồi canh rau là một hương vị riêng, tùy mùa, tùy nơi và tùy người hái. Bình thường chỉ là những thứ rau quanh nhà, hôm nào sang hơn, anh em tôi đi xúc được mớ tôm, mớ tép ngoài đồng hay “hôi” được vài con cá ở ao hợp tác thì nồi canh trở lên sinh động và phong phú hơn.
Bây giờ rau tập tàng trở thành món đặc sản giữa lòng thành phố, nhiều nhà coi đây là thứ rau an toàn. Ra chợ sớm mua vài loại rau nhưng không giống như mớ rau hái sau vườn ngày xưa, mang về nấu với tép khô hay thịt nạc băm nhỏ gọi là canh rau tập tàng. Với nồi canh ấy tôi cứ thấy thiếu thiếu một thứ gì đó, bởi thế những bát canh tập tàng thủa xưa chỉ còn trong ký ức, một ký ức dịu êm trong trẻo theo ta trên những nhọc nhằn đời.