Bảo tàng Thái Nguyên là nơi bảo quản, trưng bày hiện vật về tự nhiên và xã hội có giá trị lịch sử nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Hiện nay, Bảo tàng có trên 29.000 hiện vật được thu thập, sưu tập, bảo quản và trưng bày.
Trong số đó, rất nhiều hiện vật có giá trị về mặt nghiên cứu khảo cổ học, dân tộc học niên đại lâu đời như: hàm răng voi hóa thạch lần đầu tiên phát hiện tại sông Thần Sa (Võ Nhai) có niên đại 30.000 đến 50.000 năm, bia đá cổ thuộc niên đại triều Nguyễn, niên đại Thành Thái năm thứ 3 (1891) được phát hiện tại Phổ Yên; nhiều hiện vật trong chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ của người Thái Nguyên hay những kỷ vật thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô kháng chiến…
Hưởng ứng chủ đề năm nay là “Bảo tàng và ký ức” và kỷ niệm Ngày Bảo tàng Quốc tế 18-5, Bảo tàng Thái Nguyên đang tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: trưng bày triển lãm; tuyên truyền, quảng bá các hoạt động của Bảo tàng; mở đón khách tham quan tại hai phòng trưng bày chuyên đề. Trong tháng 4-2011, tổ chức điều tra, khảo cổ học 24 hang động trên địa bàn huyện Võ Nhai và Đồng Hỷ, sưu tầm được 2.984 di vật... Đăc biệt, theo sự chỉ đạo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng tỉnh đang nỗ lực chuẩn bị mọi nguồn lực để tổ chức trưng bày triển lãm ảnh chào mừng Festival Trà Quốc tế - Thái Nguyên năm 2011.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Huy Toàn, Giám đốc Bảo tàng cho biết: “Mặc dù được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch là đơn vị chủ quản nhưng chúng tôi vẫn còn thiếu những điều kiện cơ bản của một bảo tàng. Đó là: chưa có khu trưng bày ngoài trời, hệ thống kho, trang thiết bị nghiệp vụ đúng theo tiêu chuẩn gây khó khăn trong việc bảo quản hiện vật. Lực lượng cán bộ mỏng, kinh phí dành cho nghiệp vụ và sưu tầm tài liệu còn hạn chế. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ, viên chức Bảo tàng đã nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác bảo tồn và phát triển di sản văn hóa địa phương, nhất là khi các giá trị văn hóa cổ đang đứng trước nguy cơ bị mai một giữ “dòng chảy” của cuộc sống hiện đại.
Từ nhận thức trên, trong những năm qua, đội ngũ cán bộ của Bảo tàng luôn làm tốt công tác nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày và tuyên truyền. Tính từ năm 2008 đến hết qúy I năm nay, Bảo tàng đã sưu tầm được trên 600 tài liệu, hiện vật. Trong đó có rất nhiều hiện vật quý như: Trống đồng Mỏ Nước có niên đại cách đây 2.500 năm (tại xóm Mỏ Nước, xã Văn Lăng, Đồng Hỷ); di chỉ khảo cổ học Thần Sa (Võ Nhai); thư tịch cổ, bia đá cổ; tiền cổ; di vật chiến tranh; kỷ vật Bác Hồ với Thái Nguyên…
Bên cạnh đó, Bảo tàng còn thực hiện rất nhiều cuộc nghiên cứu khai thác thông tin, kiểm kê khoa học, nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào bảo quản tư liệu, hiện vật. Để công tác sưu tầm, tuyên truyền có hiệu quả, hai gian phòng trưng bày tại bảo tàng luôn mở của đón khách tham quan. Đội ngũ cán bộ còn làm tốt công tác triển lãm và tuyên truyền lưu động trên địa bàn tỉnh… Đến nay, Bảo tàng đã có Website riêng. Đội ngũ cán bộ luôn tận tụy, trách nhiệm cao với công việc, có năng lực chuyên môn, tâm huyết với nghề. Những năm qua, đã có nhiều cá nhân nhận Bằng khen của UBND tỉnh như đồng chí: Đồng Khắc Thọ; Bùi Huy Toàn; Bàn Thị Hà… Năm 2010, Bảo tàng tỉnh đã đoạt giải B, Cuộc thi Sáng tác, quảng bá, biểu diễn các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"…Với những cố gắng đó, đầu năm 2011, Bảo tàng đã được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc.
Có thể nói, việc bảo tồn, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nhằm xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Công việc này không chỉ dựa vào những người làm công tác bảo tồn, bảo tàng mà cần nhận được sự quan tâm của cộng đồng xã hội trong việc nêu cao nhận thức về truyền thống dân tộc, lịch sử, văn hóa của địa phương, tạo ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.