Ngày 7/5, Tin từ Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng: Bảo tàng vừa phối hợp Trường ĐH KHXN &NV, ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức khai quật khảo cổ khẩn cấp quần thể điêu khắc Chămpa (thuộc tổ 13, phường Hòa Thọ Đông, Cẩm Lệ) trên diện tích 200m2.
Theo Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng, quần thể này được phát hiện vào giữa tháng 3, trong lúc đào móng làm nhà tại thửa đất số 173 và 101 (thuộc tổ 13 khu vực xóm Cấm, phường Hòa Thọ Đông), ông Ông Văn Tồn và bà Lê Thị Út phát hiện pho tượng cổ bằng đá có hình sư tử cao 0,5m. Pho tượng đặt trên một phiến đá màu vàng sẫm, nhiều khả năng có niên đại từ thời kỳ Chămpa.
Giảng viên khảo cổ học Nguyễn Chiều (Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội), người chủ trì khai quật, cho biết, sau khi tiến hành đào ở độ sâu hơn 1,5m đã phát hiện nhiều cổ vật liên quan đến tháp Chămpa, trong đó đáng chú ý là các hiện vật như: voi bằng đá, gạch có trang trí hoa văn, bậc tam cấp bằng đá...Đây có thể là một phần đổ nát trong quần thể các di tích đền tháp Chămpa. Nếu có điều kiện mở rộng khai quật, khả năng phát hiện một quần thể di tích rộng lớn hơn nhiều...
Sau khi quần thể điêu khắc Chămpa này được phát hiện, cơ quan khảo cổ đã khám nghiệm, bước đầu xác định còn một số di tích nằm trong lòng đất, cần tiếp tục khai quật để làm rõ. Đến nay tại khu khai quật này, cơ quan chức năng đã thu được hàng chục hiện vật liên quan đến văn hóa Chămpa.
Hiện nay trên địa bàn TP Đà Nẵng còn rất nhiều dấu tích, di chỉ Chămpa nhưng chưa được phát lộ. Từ đầu thế kỷ 20 đến nay, nhiều nhà khảo cổ học đã sưu tầm trên địa bàn nhiều hiện vật như khu vực Xuân Dương (Nam Ô, Liên Chiểu), Quá Giáng (Hòa Phước, Hòa Vang), Phong Lệ (Hòa Thọ Đông, Cẩm Lệ)... Năm 2008, Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng cũng sưu tầm một số hiện vật về văn hóa Chăm nổi trên mặt đất vùng Cấm Mít (xã Hòa Phong, Hòa Vang).
Dự kiến, đến ngày 24/5 sẽ kết thúc khai quật đợt 1, sau đó sẽ tổ chức đánh giá và triển khai tiến độ các đợt khai quật tiếp theo.