Không ai dám xâm phạm rặng duối cũng như có ý định chặt cành bẻ nhánh, kể cả nhặt củi khô về đun. Hàng bao đời nay, ý thức bảo vệ rặng duối linh thiêng và xem đó là di sản đã ăn sâu vào tâm khảm người dân nơi đây.
Gắn với di tích lịch sử làng cổ Đường Lâm, rặng duối 18 cây toạ lạc tại thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội, có cách nay cả nghìn năm.
Ngày 22/4/2011, rặng duối cổ gồm 18 cây đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tổ chức công nhận là Cây di sản Việt Nam. Theo đó, những huyền tích tâm linh kỳ bí về rặng duối 1000 năm di sản được hé mở...
Rặng duối 18 cây là hình tượng huyền thoại kết hợp với hiện thực, làm tăng thêm giá trị của quần thể di tích. Rặng duối còn là một dải nơ xanh ôm chặt lấy làng cổ, đem lại sự bình an cho mọi người. Rặng duối là một quần thể sinh học, đồng thời là một vầng sáng tâm linh, toát lên chí khí của tiền nhân gắn kết hồn thiêng dân tộc, tổ tiên với con cháu mọi thế hệ.
Cụ Nguyễn Văn Tửu, 79 tuổi, nhà giáo ưu tú, Chủ tịch Hội sinh vật cảnh thị xã Sơn Tây trầm ngâm kể: “Lịch sử nước Việt là lịch sử giữ nước. Bao thế lực thù địch muốn xâm phạm bờ cõi nước
Đem thắc mắc: "Vì sao rặng ruối quý như vậy mà không có... lâm tặc" hỏi cụ, cụ cười trả lời chúng tôi: "Những năm 50 thế kỷ trước, thấy nhiều gốc duối to đẹp, các cành cây bủa vây um tùm, cũng có một số người chặt cành lấy củi khô đem về, nhưng một thời gian sau, những người đó thi nhau ra rặng duối làm lễ xin xá tội. Hỏi ra mới biết, những ai chặt cây, bẻ cành đều tự dưng gặp hoạ. Nhẹ thì tiêu tán tài sản, nặng thì điên dở hoặc chết. Từ bấy đến nay, người dân địa phương ra sức bảo vệ rặng duối.
Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hoan, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội cho biết: “Bằng sự trường tồn cổ kính, cao to, đồ sộ, xum xuê và gắn liền với những dữ liệu lịch sử và khoa học, loài duối đặc chủng ở Đường Lâm đã đáp ứng được các tiêu chí về cây cổ thụ, cây di sản. Rặng duối này có cách đây khoảng 1.000 năm. Tương truyền, đây là nơi vua Ngô Quyền từng làm chỗ buộc voi, buộc ngựa sau các cuộc tập trận cùng với nghĩa quân để chuẩn bị tiến về vùng cửa sông Bạch Đằng đánh quân Nam Hán, chấm dứt 1000 năm Bắc thuộc”. Làng Cam Lâm, nơi có rặng duối, đã sinh ra Ngô Quyền, người con tuấn kiệt, dẹp tan quân xâm lược, lập ra vương triều Đại Việt.
Ông Nguyễn Trọng An, Phó Ban di tích làng cổ Đường Lâm cho biết: “Chúng tôi rất tự hào về mảnh đất địa linh nhân kiệt, đã sản sinh ra những người con hiền tài của đất nước. Rặng duối 18 cây là một quần thể di sản văn hóa của đất nước, là nơi tâm linh để tưởng nhớ đến những anh hùng một thời vang bóng. Là một rặng duối linh thiêng của tổ tiên để lại, chúng tôi phải có trách nhiệm bảo vệ và coi đó như là một nhân chứng về sự trường tồn mãi mãi".
Một nghìn năm qua, dù trời đất có biết bao biến động, thời cuộc có biết bao đổi thay, con người đã nhân lên biết bao thế hệ thì rặng duối 18 cây vẫn mang trong mình sự huyền diệu của thiên nhiên, của ông cha ta để lại. Do đó, chúng ta phải tiếp giữ gìn, bảo tồn, tôn tạo rặng duối và các di tích trong quần thể di sản quý giá Đường Lâm.