Mong muốn khôi phục và bảo tồn làn điệu hát Ví

09:01, 15/06/2011

Từ lâu, hát Ví là hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân dã của dân tộc Kinh ở xã Đông Cao (Phổ Yên). Những câu hát phản ánh đời sống tinh thần phong phú của người dân sau những ngày lao động vất vả. Tuy nhiên, hiện nay những làn điệu này đang dần bị mai một.

 

Để tìm hiểu về hát Ví của bà con xã Đông Cao, chúng tôi đã tìm đến nhà cụ Nguyễn Thị Chín, ở xóm Sắng, một trong 4 cụ cao tuổi còn nhớ và thuộc nhiều làn điệu Ví cho biết: Tôi còn nhớ hồi trẻ, cứ vào mỗi đêm trăng thanh gió mát, sau khi đã xong xuôi hết công việc đồng áng, thanh niên trong làng lại rủ nhau ra ven bờ sông Cầu hát Ví. Những điệu hát ngọt ngào, sâu lắng bày tỏ tâm sự nỗi niềm, khát vọng về tình yêu lứa đôi, chung sức xây dựng cuộc sống ấm no. Qua lời hát, nam nữ quen nhau, hiểu nhau, yêu nhau và rồi lấy nhau cũng nhờ câu hát. Chương trình một buổi hát ví có thể chia thành ba chặng chính: Ví vào đám (nghi thức mở đầu của buổi hát, gồm có: ví chào, ví mời trầu, ví hỏi quê quán); ví kết (kết bạn, kết tình, giao hẹn, ví ước, ví tỏ tình…); ví giã ( giã bạn, giã tình). Hát Ví được chia thành hai bên nam và nữ, mỗi bên có một người hoặc nhiều người thi nhau hát đối đáp. Họ hát đố nhau các chủ đề về tình yêu, lòng chung thủy, thiên nhiên, cây cối… Địa điểm và không gian hát Ví chính là không gian sinh hoạt, lao động sản xuất hàng ngày của người dân như: cây đa, bến nước, dòng sông, đồng ruộng… Hiện nay, thanh niên trong làng còn rất ít người biết hát Ví.

 

Nhận thấy làn điệu hát Ví đang bị mai một, cụ Nguyễn Hữu Khánh, năm nay đã ngoài 80 tuổi đã có ý định khôi phục và bảo tồn làn điệu này. Cụ tâm sự: Tôi lớn lên bên dòng sông Cầu thơ mộng, “mê” làn điệu hát Ví từ nhỏ nên tôi đã đi theo lớp đàn anh, đàn chị học hát. Hát Ví thường được tổ chức vào mùa Thu, thời tiết mát mẻ, công việc đồng áng cũng có phần nhàn rỗi. Các nhóm hát có thể là xóm này với xóm khác hoặc cùng một dải ven sông Cầu hát vọng từ bờ sông bên này sang bờ sông bên kia, thường là  các xã: Tiên Phong, Đông Cao, Tân Phú, Thuận Thành… (Phổ Yên) và Hoàng Vân, Hòa Sơn, Quang Minh, Hợp Thịnh (Bắc Giang). Nay chỉ có lớp tuổi già chúng tôi là còn biết hát, thanh niên trong làng đều không thuộc làn điệu nào. Vì thế nếu không truyền lại cho thế hệ con cháu thì làn điệu này sẽ bị mai một. Tôi và 3 cụ cao tuổi trong xóm đứng ra dạy hát cho các cháu. Vừa dạy tôi vừa biên soạn lời một số làn điệu cho phù hợp với giai đoạn hiện nay.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Toan, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Cao cho biết: Cụ Khánh là người đầu tiên có ý định khôi phục điệu hát Ví. Cụ đã tham mưu cho chính quyền địa phương để chuẩn bị thành lập Câu lạc bộ (CLB) hát Ví ven sông Cầu. Nhận thấy đây là việc làm có ý nghĩa, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, chính quyền địa phương đã khuyến khích các thành viên yêu thích làn điệu hát Ví tham gia; đồng thời tạo điều kiện về hội trường, đạo cụ cho việc dạy và học hát. Năm 2009, CLB hát Ví ven sông cầu của xã Đông Cao được thành lập với 22 thành viên, chủ yếu là thanh niên và phụ nữ. CLB dạy hát ở Trung tâm học tập cộng đồng xã vào các buổi tối, mỗi tuần từ 4 -5 buổi. Chị Nguyễn Thị Thoa, một thành viên của Câu lạc bộ hát Ví xã Đông Cao cho biết: Tôi rất yêu thích các làn điệu hát Ví. Vì thế mặc dù bận rộn với công việc gia đình và xã hội nhưng tôi vẫn dành thời gian để đi học hát vào các buổi tối. Khi hòa mình vào những câu hát, tôi thấy mình như quên hết đi lo âu, mệt nhọc của công việc. Còn anh Mai Văn Cường, Bí thư Đoàn xã Đông Cao thì cho biết: Tôi thấy hát Ví rất hay; mỗi điệu hát đều có những lời lẽ đối đáp có tính sáng tạo nên đã tham gia học hát và vận động các thanh niên có cùng sở thích tham gia CLB. Đến nay tôi đã học được 13 làn điệu như: điệu tát nước, điệu hái dâu, điệu cắt cỏ, điệu trên sông…

 

Sau hơn 1 năm hoạt động, CLB hát Ví xã Đông Cao đã đạt được một số kết quả ban đầu. Từ chỗ chỉ có 4 cụ cao tuổi trong xã biết hát, nay 22 thành viên trong CLB đều đã biết hát các làn điệu Ví và có thể truyền dạy lại cho người khác. Trong những dịp lễ, hội, các làn điệu hát Ví thường thu hút đông đảo bà con đến xem và cổ vũ. Hiện, chính quyền địa phương và bà con trong xã mong muốn tiếp tục bảo tồn điệu hát nhưng để làm được điều này rất cần nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ của các cấp các ngành.