Những phong tục kỳ lạ của người Brâu

14:23, 30/06/2011

Người Brâu có dân số hơn 320 người (là một trong những dân tộc có dân số vào diện ít nhất nước), họ chuyển cư vào Việt Nam khoảng hơn 100 năm nay. Hiện nay, đại bộ phận cộng đồng này vẫn sinh sống trên các dòng sông Sê San và Nậm Khoong (Mê Kông).

 

Dân tộc Brâu đã bao đời du canh du cư, chủ yếu đốt rừng làm rẫy để trồng các loại lúa, ngô, sắn. Thanh niên nam nữ Brâu được tự do lấy vợ, lấy chồng. Nhà trai tổ chức hỏi vợ phải nộp lễ vật cho nhà gái, nhưng đám cưới thì tiến hành tại nhà gái, và chàng rể phải ở lại nhà vợ khoảng 2 đến 3 năm rồi mới được làm lễ đưa vợ về ở hẳn nhà mình. Theo phong tục người Brâu, người chết được đưa ra khỏi nhà, cho vào quan tài độc mộc và quàn tại một căn nhà riêng do dân làng dựng lên. Mọi người đến chia buồn, gõ chiêng cồng, mấy ngày sau mới mai táng. Những ché, gùi, dao, rìu... bỏ lại trong nhà mồ là số của cải gia đình cho người chết.

 

 

 

Người Brâu ưa thích chơi cồng chiêng và các nhạc cụ cổ truyền. Đặc biệt có bộ chiêng tha (chỉ gồm hai chiếc) nhưng có thể trị giá từ 30 đến 50 con trâu. Các thiếu nữ thường chơi Krông pút là nhạc cụ gồm 5-7 ống lồ ô dài ngắn không đều nhau đem ghép với nhau, tạo âm thanh bằng đôi bàn tay vỗ vào nhau ngoài miệng ống. Khi ru con hoặc trong đám cưới... người Brâu có những điệu dân ca thích hợp. Những trò thả diều, đi cà kheo, đánh phết cũng là sinh hoạt vui chơi của thanh thiếu niên. Nhà của người Brâu có những đặc điểm ít thấy ở nhà những dân tộc khác. Việc làm đẹp cho ngôi nhà được thể hiện ở các kiểu "sừng đầu đốc". Chạy dọc theo sống nóc, người Brâu dựng một dải trang trí không chỉ đẹp mà còn rất độc đáo. Bộ khung nhà với vì kèo đơn giản, vách che nghiêng theo thế "thượng khách hạ thu". Cách bố trí trên mặt bằng sinh hoạt: vào nhà từ phía đầu hồi. Thang bắc lên một gian hồi để trống rồi mới vào nhà. Mặt sàn chia làm ba phần với các độ chênh khác nhau. Trong nhà chia đôi theo chiều dọc, nửa về bên trái, một phần dành cho con gái, còn lại là nơi sinh hoạt của con trai về ban ngày vì đêm họ ra ngủ tại nhà rông. Còn nửa kia đặt bếp.

 

Phụ nữ Brâu để tóc dài hoặc cắt ngắn, mặc váy, loại váy hở, quấn quanh thân. Mùa lạnh, họ mang chiếc áo chui đầu, cộc tay, khoét cổ. Đây là loại áo ngắn thân thẳng, tổng thể áo có hình gần vuông. Thân áo phía mặt trước và sau được xử lý mỹ thuật cũng theo nguyên tắc như váy. Toàn bộ thân trước màu sáng có đường viền đậm trên vãi và gấu áo; phía lưng áo được xử lý màu sáng có sọc ngang đơn giản nửa phía dưới áo. Phụ nữ còn mang trên cổ một vài chuỗi hạt cườm ngũ sắc, hoặc vòng đồng, bạc cũng như vòng tay bằng các chất liệu trên.

 

Người Brâu có nhiều phong tục, nhưng độc đáo, kỳ lạ nhất phải kể đến tục cà răng, căng tai và xăm mặt. Đàn ông và phụ nữ làm đẹp bằng cách cưa răng cửa và căng vành tai cho thật lớn. Đây là một tục lệ có từ lâu đời được "truyền tử lưu tôn" qua nhiều thế hệ.

 

 

 

Tục cà răng (hay gọi là Uốt Pưng)

 

Theo quan niệm của họ, việc cà răng căng tai là để gái trai đến tuổi cập kê tiến đến hôn nhân một cách thuận lợi. Với họ, một người đẹp không phải là có hàm răng đều đặn, trắng ngà mà là hàm răng phải được mài nhẵn cho đến tận lợi. Thông thường họ chỉ làm cụt ở hàm trên thôi, còn hàm dưới không cần mài cả hàm mà chỉ mài bốn hay sáu cái là đủ. Cà răng tốn khá nhiều thời gian và cũng lắm phiền toái. Đêm đêm giữa mênh mang đại ngàn, sau một ngày lao động trên nương rẫy, người Brâu, nhất là phụ nữ trở về nhà lại dùng lưỡi dao, chặt ra có gờ như lưỡi cưa và cứ thế từ ngày này sang ngày khác nhằm hai hàm răng mà cà. Việc làm này rất quan trọng với cả người con trai và con gái trong mỗi gia đình, bởi nó thể hiện “đỉnh cao” của sự hiếu thảo giữa con cái với cha mẹ. Sau khi bộ răng được cưa xong, người đó đã chứng tỏ được mình không phải là người ăn tham, ăn có chừng mực chứ không ăn hết phần của cha mẹ. Ngoài ra, hàm răng bị cưa ngắn còn thể hiện rằng chủ nhân của nó đã đến tuổi phải làm tất cả những công việc của một người B’râu: từ lên rẫy làm lúa, trồng mì đến vào rừng săn voi về kéo gỗ.

 

Ngoài cà theo cách truyền thống, người Brâu còn sử dụng một số nhựa cây trong rừng sâu, đem đốt nóng trên lửa sao cho đến khi có màu đen và đặc sánh, dùng nó để bôi lên những chiếc răng ngắn ngủn ấy, răng càng đen bóng càng thành công.

 

 

 

Tục căng tai (Tavattơpit)

 

Song song với cà răng, người Brâu còn làm đẹp bằng cách căng tai. Họ quan niệm rằng, lỗ tai càng căng rộng càng được người bạn tình ưa thích và dễ có người yêu. Ban đầu, người ta chỉ dùi vào dái tai một lỗ nhỏ xíu rồi luồn vào đó một cọng tre hay một thẻ gỗ nhỏ. Thế rồi mỗi ngày, họ lại thay dần vào lỗ thủng đó một cọng tre lớn hơn, cứ thế, lỗ ở dái tai cứ rộng dần! Đến tuổi trưởng thành, lỗ thủng đó có thể xuyên qua một khúc ngà. Thế là các cô, các cậu đã có hai lỗ tai thật là lớn được trang trí bằng vòng ngà hay vòng đồng thật to, thật nặng, lủng la lủng lẳng, kéo vành tai căng căng rộng ra.

 

Ban đầu việc căng tai chỉ dành cho những người giàu có trong làng, đó là những nhà có nhiều cồng chiêng, ché rượu cần quý, nhiều trâu bò... Họ căng tai càng rộng bao nhiêu thì càng tỏ ra tự hào, hãnh diện bấy nhiêu. Những người này thường dùng lỗ tai này để đeo ngà voi, các vật quý. Rồi về sau, việc căng tai được lan rộng ra cả làng, không chỉ người giàu, mà nghèo cũng đâm lỗ, rồi bỏ cây le, lồ ô vào để căng tai. Ngày ngày cứ vuốt ve tai sao cho lỗ càng to, càng tốt.

 

Tục cà răng và căng tai của người Tây Nguyên - Trường Sơn từ lâu được xem như "mốt" ở rẻo cao. Răng cà nhẵn, tai căng càng rộng thì giá trị càng cao, trông càng hấp dẫn.

 

 

 

Tục xăm mặt (ChinhKrăcKăng)

 

Người B’râu còn có một cách làm đẹp khác là xăm những hình thù kì lạ lên xung quanh mặt, tùy theo ý thích của mình. Đó có thể đơn giản chỉ là những dấu cộng, hoặc những đường thẳng song song nhau… Những hình xăm này không chỉ có ý nghĩa làm đẹp cho mỗi cô gái, chàng trai trong làng mà còn là biểu tượng của sự giàu có, phồn vinh. Chính vì vậy, chỉ những người giàu trong làng mới được xăm vẽ mặt; người nghèo không được phép xăm.

 

Người phụ nữ Brâu còn tự “làm đẹp” cho mình bằng việc đeo vòng, nhìn từ đầu đến chân của các cụ cơ man nào là... vòng: vòng lớn, vòng nhỏ, vòng đỏ, vòng vàng... đủ các màu sắc. Họ có quan niệm càng đeo nhiều vòng thì... càng đẹp, càng “quý phái”, càng được nhiều người đàn ông ngưỡng mộ! Những cụ bà còn nghĩ ra đeo vòng khá độc đáo đó là đeo ở cổ chân, có người gắn vào chân mình đôi lục lạc. Mỗi bước chân di chuyển, lục lạc kêu leng keng rộn rã. Làm vậy đi vào trong rừng không sợ bị lạc đường, nếu lỡ đi lạc thì cứ theo tiếng leng keng ấy mà tìm...