Tháng Năm ăn Tết Đoan ngọ

07:45, 06/06/2011

Sớm nay đến cơ quan, đã thấy nhiều tấm bảng đề bán rượu nếp mùng năm chình ình  ngay trên đường. Chợt giật mình, ngoành đi ngoảnh lại mà đã đến Tết Đoan ngọ.

 

Tết Đoan Ngọ vốn bắt nguồn Trung Quốc với truyền thuyết về vị trung thần Khuất Nguyên thời vua Hoài Vương. Bọn gian nịnh thần ganh ghét Khuất Nguyên bèn bày kế để Hoài Vương thử lòng trung thành của Khuất Nguyên bằng cách ra lệnh ông nhảy sông tự vẫn. “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung” (Vua bảo bề tôi chết, bề tôi không chết là kẻ bất trung). Khuất Nguyên vô cớ bị xử oan nhưng vẫn tuân lệnh vua trầm mình xuống sông tự vẫn đúng vào giờ Ngọ, ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch. Người dân Trung Quốc tôn kính, tưởng nhớ Khuất Nguyên nên hàng năm cứ vào ngày ông mất, đúng mồng 5 tháng 5 âm lịch, lại thả bánh, quả xuống nước thờ cúng ông.

 

Tết Đoan ngọ ở Việt Nam cũng còn gọi là "ngày giết sâu bọ" là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài gây hại cho cây trồng trên cánh đồng, trong đó nhiều loài sâu có thể ăn được và chúng được coi như là chất bổ dưỡng. Người ta tin rằng khi ăn món ăn đầu tiên trong ngày này thì sâu bọ, giun sán trong người sẽ bị chết hết.

 

Ngày "Tết giết sâu bọ", dân gian Việt Nam thường cúng vào sáng sớm. Tuy nhiên, thực chất tiết Đoan Ngọ được tiến hành vào giờ chính Ngọ (giữa trưa) ngày 5/5 âm lịch. Tôi nhớ những Tết Đoan ngọ ngày thơ bé, từ sáng sớm thế nào mấy anh chị em cũng được ăn mận, dứa, quả muỗm và dưa hấu, Mẹ còn mua nhiều thứ để cúng gia tiên từ chiều mùng bốn. Sau lễ cúng gia tiên, đúng ngọ (12h trưa), mẹ tôi lại cùng các chị lên quả đồi trước nhà hái lá cối xay, ích mẫu, lá vối, lá muỗm, ngải cứu... đem về ủ rồi phơi khô để uống dần. Mẹ bảo rằng thứ lá đó uống vào được là rất lành, mát có lợi cho sức khỏe.

 

Mẹ tôi bảo trong khi hái lá, ai nhìn thấy rắn, thằn lằn thì cả năm được nhiều may mắn vì những loài này vào thời khắc đó rất hiếm thấy. Thế nên mấy chị em đi theo mẹ lá không hái mà chỉ nhắm nhắm tìm xem có con thằn lằn nú nấp đâu đó hay không. Lá hái ngày mùng 5, chẳng hiểu linh nghiệm đến cỡ nào nhưng qua bao đời nay đã gắn liền với đời sống tinh thần của người dân Việt Nam.

 

Bây giờ giữa phố phường, không nhiều vườn tược, cỏ cây, dẫu có muốn tôi cũng chẳng thể đi hái cho mình những nắm lá thuốc như ngày xưa của mẹ. Thế là đành ra chợ Thái, phía gần Đài truyền hình có mấy hàng bán lá thuốc. Lá được xắt nhỏ, phân từng loại riêng biệt, đi chợ chọn lấy những lá có mùi vị ưa thích mua về để dùng dần.

 

Như nhiều địa phương trong cả nước ở Thái Nguyên ngày này, rượu nếp, đặc biệt là rượu nếp cẩm, là món không thể thiếu ở các chợ lớn, chợ nhỏ. Chị Ngân bán hàng chè dừa ở chợ Minh Cầu, T.P Thái nguyên cho biết: “Rượu nếp là thứ bán chạy nhất trong ngày này. Từ chiều hôm qua tới giờ tôi đã bán hết 10 chậu nếp. Đa phần khách quen đặt trước, mười nghìn, hai mươi nghìn, thậm chí có người mua năm mươi nghìn tiền rượu nếp. Hầu như vào Tết Đoan ngọ nhà nào cũng mua rượu nếp về thắp hương, có gia đình quanh năm không bao giờ ăn rượu nếp nhưng trong Tết Đoan ngọ cũng mua một bát rượu nhỏ cho lễ cúng thêm đủ đầy.

 

Từ chiều hôm qua, các mặt hàng dành cho ngày Tết Đoan ngọ trên khắp các chợ lớn nhỏ đã tấp nập người mua bán. Nhiều nhất là mận và vải, những thứ quả hơi chua theo quan niệm dân gian mới diệt trừ được sâu bọ. Tuy nhiên giá hoa quả ở các chợ trên địa bàn thành phố Thái Nguyên chỉ nhích hơn ngày thường chút ít. Nhiều chủ hàng nắm bắt nhu cầu tiêu thụ của khách nên nhập thêm hàng nhưng giá không tăng nhiều so với ngày thường.

 

Trở thành một nét văn hóa đẹp, hàng năm vào Tết Đoan ngọ, nhà nhà lại sắm lễ cúng gia tiên, hưởng lễ vật vào buổi sớm để thanh lọc cơ thể với một niềm tin tâm linh tốt lành.