Ở Huế, cụ Phan Thế Huề là nghệ nhân điêu khắc gỗ cuối cùng từng phục vụ trong Hoàng cung triều Nguyễn. Năm nay đã bước sang tuổi 95, nhưng ngày ngày cụ vẫn truyền đạt những ngón nghề tuyệt kỹ cho con cháu.
Trong căn nhà nhỏ ở làng Phò An, xã Phú Dương (Phú Vang, Thừa Thiên - Huế), cụ Huề còn trưng bày nhiều tác phẩm gắn với nghiệp làm nghề của mình như "Bác Hồ chăm sóc cây vú sữa" do chính tay cụ làm từ những năm 1978, bức hoành phi "Vi thiện duy bửu" (lấy thiện làm quý) do cụ chạm trổ, sơn thếp hơn 50 năm trước… Dù tuổi cao, mắt mờ, nhưng nhiều khi cụ Huề vẫn chạm khắc một vài mặt hàng mà theo cụ “làm cho đỡ nhớ nghề”.
Cụ kể, năm lên 10 đã theo học nghề thợ chạm với người anh ruột. Thời xưa học nghề rất kỹ lưỡng, thường một người thợ lành nghề phải học mất 10 năm. Nhờ nhanh nhẹn hơn mấy người cùng học tại xưởng nên học được 5 năm, cụ được trả công và cho ra làm riêng. Sau đó cụ lân la tìm hiểu và học thêm nghề sơn son thếp vàng từ các lò sơn thếp truyền thống nổi tiếng ở Gia Hội, Vĩ Dạ.
Trẻ tuổi nhưng cái tên “Huề thợ chạm” ngày đó đã được nhiều người biết đến. Trong một đợt tìm kiếm thợ giỏi để xây dựng và sửa chữa các công trình trong cung vua Bảo Đại, cụ Huề được Bộ Công triệu vào hoàng cung.
Qua kiểm tra tay nghề, Bộ Công phát hiện tài năng của cụ Huề nên giao phụ trách việc sửa chữa các cấu kiện đòi hỏi kỹ thuật cao, như ô hộc chạm trổ, sơn son hoặc thếp vàng các bàn thờ, những ô hộc trang trí quanh hệ thống đố bảng miếu điện tại Thế Tổ miếu, Hưng miếu, Ngọ Môn, lăng vua Tự Đức...
“Được gọi vào cung là vinh dự không chỉ của mình mà của cả dòng họ và anh em cùng làm nghề điêu khắc trong làng nên tôi vui lắm. Tuy không có dịp được diện kiến vua nhưng mình luôn cố gắng làm cho tốt, nhiều lần nghe các quan trong Bộ Công nói lại là vua rất ứng ý với những sản phẩm mà đội thợ làm”, cụ Huề kể lại.
Cụ Huề và Chứng nhận huy chương Bàn tay vàng lần thứ nhất, do Liên hiệp HTX tiểu công nghiệp - thủ công nghiệp Trung ương trao tặng tháng 6/1978.
Ngày đó thợ làm trong hoàng cung không theo kiểu khoán công hoặc thầu như hiện nay, mà chỉ giao việc và người thợ làm bao lâu tùy ý. Công việc không quá vất vả nhưng đòi hỏi người thợ phải khéo léo, tỉ mỉ và đặc biệt là phải có tâm với nghề để tạo ra những sản phẩm mang nét cổ kính theo kiến trúc cung đình.
Cách mạng tháng Tám thành công, đội thợ giải thể. Cụ Huề về quê mở xưởng tiếp tục làm nghề chạm khắc, sơn thếp các loại đồ thờ và trang trí nội thất như: liên ba, hoành phi, câu đối, long vị, áng thờ... cho các đình, chùa, am, miếu, nhà thờ họ.
Những năm 1960, cụ được mời vào làm việc tại Trung tâm Khuếch trương tiểu công nghệ (hồi đó đóng tại cung Trường Sanh, Hoàng cung Huế) và được giao phụ trách nhóm điêu khắc, tổ chức sản xuất mặt hàng chạm trổ tinh xảo. Nhiều mặt hàng khó, cần tay nghề cao cụ trực tiếp làm. Được một thời gian, trung tâm này đóng cửa do chiến tranh.
Không biết chữ, nhưng do tay nghề đạt đến độ tuyệt kỹ nên năm 1977-1978, cụ Huề trở thành giảng viên dạy bộ môn Điêu khắc tại Cao đẳng Mỹ thuật Huế (nay là ĐH Nghệ thuật). Dạy học với cụ Huề là việc rất khó, sau nhiều đêm suy nghĩ, cụ quyết định dùng phương pháp truyền miệng và làm mẫu cho học trò nhìn mà làm theo.
Bức hoành phi được nhiều người hỏi mua nhưng cụ Huề nhất quyết không bán mà giữ làm kỷ niệm về nghề.
Phương pháp dạy học lạ này lại hợp với bộ môn điêu khắc đòi hỏi cái nhìn trực quan và kích thích óc sáng tạo của học trò. Hàng trăm người đã trưởng thành từ xưởng của cụ Huế tỏa đi nhiều nơi mở xưởng, lập nghiệp. Nhiều học trò của cụ đã trở thành những nhà điêu khắc tên tuổi. Riêng cụ từng được Liên hiệp HTX Tiểu thủ công nghiệp trung ương tặng huy chương Bàn tay vàng trong nghề điêu khắc gỗ truyền thống xứ Huế.
“Gắn mình với nghề dạy học trong khi không biết đến một chữ, suy đi nghĩ lại cũng không ổn. Nhiều khi học trò học bài mình dạy xong, mang vở lại hỏi thầy mà mình không biết chữ, thấy xấu hổ quá nên tôi quyết định xin nghỉ", cụ Huề chia sẻ về việc chủ động nghỉ dạy về nhà làm nghề từ năm 1982 đến nay.
Khi mở xưởng tại nhà, nhiều người trong vùng dẫn con đến xin học nghề nhưng mỗi lần cụ chỉ nhận chừng mươi người rồi dạy trong vòng năm năm rồi cho ra nghề. Dạy xong lứa này, cụ mới nhận thêm lứa khác vào học. Ai qua tay cụ đào tạo đều ra mở xưởng và đều thành công với nghề.
Nghề vốn cực nhọc và khó đạt tới trình độ cao nên trong số 8 người con của cụ duy chỉ có con trai út Phan Thế Lâm theo học và được cụ truyền cho những ngón tuyệt kỹ. Đến nay anh Lâm đã mở xưởng riêng. Xưởng sản xuất của anh được nhiều người biết đến là nơi chuyên nhận hàng đặt cao cấp về đồ thờ truyền thống kiểu Huế. Và cụ Huề là người thẩm định đầu tiên tất cả mặt hàng trước khi xuất xưởng.
Nói về tay nghề của cụ Huề, nghệ nhân sơn mài Nguyễn Thiện Quýnh, một người bạn tri kỷ luôn sát cánh với cụ Huề từ hồi thanh niên, cho biết: “Ông Huề là người thợ giỏi trong nghề điêu khắc gỗ truyền thống. Sự giỏi giang của ông thể hiện bằng chính những tác phẩm cực kỳ tinh xảo không chỉ ở trong hoàng cung xưa mà còn ở nhiều đình, chùa… ở Huế bây giờ”.