Phát hiện nhiều di chỉ khảo cổ học tại Ba Bể

17:00, 20/07/2011

Những di chỉ khảo cổ học mới phát hiện thuộc thời đại đồ đá cũ cách đây khoảng 20.000 năm

 

Bảo tàng tỉnh Bắc Kạn cho biết, vừa phát hiện 3 di chỉ có dấu tích người thời tiền sử sinh sống trên địa bàn 6 xã thuộc vùng hồ Ba Bể và lưu vực sông Năng.

 

Những di chỉ khảo cổ phát hiện mới đều phân bố dọc theo lưu vực sông Năng, địa điểm cách xa sông nhất khoảng 1km, địa điểm gần nhất khoảng 300m.

 

Khu vực Thẳm Hẩu thuộc thôn Dài Khao, xã Cao Trĩ, cách sông Năng khoảng 300m về phía Tây- là một mái đá lớn. Mặt bằng mái đá cao hơn chân núi khoảng 40m. Tại vị trí này, đoàn đã tìm được 34 di vật đá của người thời tiền sử, gồm: rìu lưỡi ngang, công cụ mũi nhọn, công cụ nạo, cắt, mảnh tước và rất nhiều vỏ ốc suối để lại trên bề mặt mái đá. Ngoài địa điểm Thẳm Hẩu, đoàn còn phát hiện được 8 di vật đá tại thẳm Cốc Nghịu (thôn Kéo Pựt, xã Cao Trĩ), 2 di vật đá tại thẳm Ản (Bản Ngù, xã Cao Trĩ).


Ở Thẳm Myà, đoàn đã thu được 10 di vật đá, cùng với những di vật đã phát hiện năm 2001, góp phần củng cố thêm nhận định đây là một địa điểm cư trú của người nguyên thủy thuộc hệ thống văn hóa Hòa Bình có niên đại khoảng 10.000 năm cách ngày nay.

 

Theo ông Trình Năng Chung– Trưởng phòng Khoa học- Viện Khảo cổ học Việt Nam, căn cứ vào những di vật đã phát hiện bước đầu có thể khẳng định chủ nhân của Thẳm Hẩu, Thẳm Cốc Nghịu, Thẳm Ản là người nguyên thủy thuộc thời đại đồ đá, trong đó chủ nhân của Thẳm Hẩu có nhiều sắc thái đặc trưng của người tiền sử thuộc thời kỳ đồ đá cũ.

 

Kết quả này cho thấy, trên địa bàn huyện Ba Bể, ngay từ thời đồ đá cũ cách ngày nay khoảng 20.000 năm đến 10.000 năm đã có người tiền sử sinh sống. Ở một số địa điểm như Thẳm Thinh, Thẳm Myà, Thẳm Hẩu... người tiền sử đã sinh sống trong thời gian dài.