Là tên bộ phim tài liệu sẽ được công chiếu tới khán giả cả nước nhân dịp quốc khánh 2/9.
Bằng việc tiếp cận nhiều nhân vật chịu ảnh hưởng lớn bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh (trực tiếp và gián tiếp), đạo diễn Nguyễn Thị Việt Nga và Hãng phim tài liệu và khoa học Trung ương đã hoàn thành 2 tập phim trong hơn 5 năm khởi quay và tập hợp tư liệu.
PV: Thưa đạo diễn Việt Nga, bà có thể giải thích rõ hơn tại sao những người làm phim lại chọn tên bộ phim tài liệu này là “Bác Hồ- sự cảm hóa kỳ diệu”?
Đạo diễn Việt Nga: Đối với giới văn nghệ sĩ trí thức, đặc biệt là trí thức lớn của mọi thời đại, muốn thuyết phục được họ không gì ngoài đạo đức, nhân cách lớn của chính người giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh giương cao ngọn cờ dành độc lập dân tộc để đánh đuổi chủ nghĩa đế quốc thì Người đã bằng tấm gương, cuộc đời của mình, bằng tất cả nhân cách, tư tưởng lớn của mình với châm ngôn là “Không có gì quý hơn độc lập tự do” để thuyết phục mọi người đi theo làm cách mạng. Và đã có rất nhiều người từ bỏ giàu sang, từ bỏ quyền quý, vinh hoa, hy sinh nhà cửa, ruộng vườn để đi theo Bác. Ý tưởng ban đầu của tôi chỉ đơn giản như thế.
Sang phần 2 tôi thấy rằng: văn nghệ sĩ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh có rất nhiều bài ca, nhiều tác phẩm văn học viết về Người hay như thế, có sức rung cảm tới lòng người trong cả thế kỉ 20. Ai cũng biết rằng, văn nghệ sĩ để có được một tác phẩm gây xúc cảm lòng người thì hình tượng văn học, hình tượng nhân vật trung tâm phải gây cảm xúc rất mãnh liệt trong trái tim họ.
PV: Làm phim tài liệu về Bác Hồ thì đã có rất nhiều đạo diễn thực hiện theo nhiều đề tài, góc độ khác nhau. Vậy góc độ tiếp cận riêng của bà là gì?
Đạo diễn Việt Nga: Theo tôi mỗi đạo diễn có một cách thể hiện riêng vì đề tài về Chủ tịch Hồ Chí Minh là đề tài vô tận mà sau này đến đời con cháu mai sau cũng có thể khai thác hình ảnh của Người dưới nhiều góc độ khác nhau. Riêng tôi đã tiếp cận Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng cách thể hiện sự cảm hóa của Người bằng chính những dòng hồi ký của các nhà tri thức lớn- của những người đã từng từ bỏ giàu sang phú quý để đi theo Bác.
Trong hồi kí của GS. Bác sĩ Hồ Đắc Di, cụ nói rằng: “Hồ Chí Minh là một vị thánh hơn cả một vị thánh- tức là chính vì sự cảm hóa của Người, vì cuộc đời của Người mà tôi đã đi theo. Bởi vì Người đau khổ với những đau khổ của nhân dân, Người buồn với nỗi buồn của nhân dân”...
Còn GS, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa nói là: “Chính vì con người Bác, cuộc đời Bác mà tôi đã rời Pháp để trở về làm cách mạng. Và tôi không ân hận. Tôi cảm thấy đây là một vinh dự đối với tôi”.
PV: Được biết bộ phim tài liệu “Bác Hồ- sự cảm hóa kì diệu” là tâm huyết của bà, đặc biệt trước khi bà chia tay với sự nghiệp điện ảnh khi đến tuổi về hưu. Vậy điều mà bà muốn nhắn gửi tới người xem là gì?
Đạo diễn Việt Nga: Đối với những trí thức văn nghệ sĩ- họ là những viên ngọc. Nhưng để cho ngọc tỏa sáng thì chỉ có Bác Hồ. Bác mới có thể tìm được những con người, tìm được những phẩm chất, những tiềm ẩn tốt đẹp quý giá của từng con người, khai thác và đặt họ đúng vị trí để cho họ tỏa sáng.
Trong thế kỷ 20, Chủ tịch Hồ Chí Minh như một người thợ mài dũa, từng viên ngọc, đặt đúng vào từng vị trí để nó trở thành tác phẩm nghệ thuật. Còn ở phần kết bộ phim, bản thân tôi tự nhận thấy với tầm của mình chưa đủ để kết và tôi đã lấy lời của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh nói nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (năm 1990). Cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh nói rằng: “Tất cả mọi tư tưởng của Bác, đạo đức của Bác, nhân cách của Bác là một di sản văn hóa của dân tộc và di sản ấy sẽ mãi mãi, suốt đời để mỗi chúng ta học tập và noi theo”.
PV: Xin cảm ơn đạo diễn Việt Nga!./.