"Bắt tay" làm du lịch một cách bài bản, chuyên nghiệp và hiệu quả giữa các địa phương đã được bàn đến từ lâu, không ít văn bản hợp tác đã được ký. Thế nhưng, thời gian cứ trôi còn những lời cam kết hợp tác vẫn chỉ ở trên giấy.
"Thân ai nấy lo"
Mới đây, tại TP Đà Nẵng, hội thảo "Liên kết phát triển 7 tỉnh duyên hải miền Trung" được tổ chức. Với lợi thế bờ biển trải dài cùng nhiều di sản thế giới, các điểm đến hấp dẫn, một lần nữa vấn đề hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh miền Trung lại được bàn luận. Không phải đến bây giờ mà đã từ lâu, các tỉnh có tiềm năng phát triển ngành "công nghiệp không khói" ở miền Trung đã ngồi lại với nhau, "hứa" sẽ phối hợp để đưa du lịch lên tầm cao mới. Hàng chục cuộc họp được tổ chức, nhiều bản ký kết đã ra đời nhưng triển khai lại chưa được bao nhiêu.
Theo Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), mỗi năm miền Trung đón hàng triệu lượt khách quốc tế nhưng thời gian lưu trú trung bình của du khách tại Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Hội An chỉ là 1,5 - 2,5 ngày với mức chi tiêu trung bình 76USD/khách/ngày. Lý giải vì sao tiềm năng du lịch của miền Trung lớn mà lại không hấp dẫn du khách, các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp cho rằng, do thiếu một chiến lược phát triển mang tính liên vùng cao. Mặc dù hiện nay các địa phương đều có quy hoạch định hướng phát triển du lịch nhưng sự gắn kết vùng, miền còn hạn chế và quan trọng hơn là thực hiện chưa tốt những cam kết về liên kết. "Mỗi tỉnh vẫn cứ làm du lịch theo cách "thân ai nấy lo, mạnh ai nấy làm". Chỉ riêng trong hai tháng 6 và 7 vừa qua, cùng lúc cả 4 tỉnh là Khánh Hòa, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế và Ninh Thuận đều tổ chức lễ hội du lịch biển. Hình thức tổ chức na ná nhau vào cùng một thời điểm không chỉ khiến cho du khách nhàm chán mà còn gây ra sự lãng phí, trong khi hiệu quả thu được lại chẳng như mong muốn, khách du lịch bị san sẻ ra bốn nơi. Nếu biết cách tổ chức các lễ hội theo hình thức khác nhau, vào thời gian hợp lý và điểm đến này quảng bá tích cực cho điểm đến kia thì chắc chắn lượng khách sẽ tăng lên nhiều lần", đại diện một hãng lữ hành tại Hà Nội nhận xét.
Không chỉ miền Trung mà ngay khu vực được mệnh danh là tam giác kinh tế, việc kết nối giữa 3 tỉnh, thành phố là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh cũng rơi vào tình trạng trên. Từ năm 2001-2002, việc liên kết hợp tác giữa 3 tỉnh, thành phố này được ví như "đầu tàu" làm động lực kéo theo sự phát triển du lịch của các tỉnh phía Bắc đã được ngành chức năng thống nhất. Sau 10 năm, sự liên kết giữa 3 bên chỉ ở cấp độ song phương Hà Nội - Hải Phòng, Hải Phòng - Quảng Ninh hay Hà Nội - Quảng Ninh, chứ chưa có sản phẩm du lịch mang tính liên kết chung. Nếu có chăng cũng chỉ là sản phẩm do doanh nghiệp lữ hành tự xây dựng. Mặt khác, giá cả các dịch vụ du lịch, điểm vui chơi, mua sắm, ăn, nghỉ mỗi nơi một kiểu và chênh lệch nhau quá lớn.
Đánh giá về thực trạng hoạt động liên kết phát triển du lịch, PGS.TS Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho rằng, những cam kết vẫn chỉ mang tính chung chung, hứa hẹn, không phân công nhiệm vụ cho từng địa phương và không thống nhất được cách thức hoạt động, điều hành sản phẩm. Khi chương trình du lịch chỉ nằm trọn trong một địa phương, thiếu đi sự đa dạng, sản phẩm kém hấp dẫn, thì hậu quả là thời gian lưu trú và mức chi tiêu của du khách đều hạn chế.
Không chỉ là lời hứa
Sự liên kết hợp lý giữa các địa phương sẽ tạo nên chuỗi du lịch hấp dẫn, không chỉ hạn chế được tình trạng nhàm chán về hoạt động du lịch mà còn tạo thành khu du lịch mạnh về địa điểm, dịch vụ, cơ sở hạ tầng, từ đó giảm được giá tour và du khách có nhiều cơ hội trong việc lựa chọn điểm đến. Đây là việc làm không mới đối với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Đơn cử như tại một số nước "láng giềng" như Thái Lan, để hút khách theo tour đến các điểm du lịch nhà vườn miền Đông, khi du khách mua vé cùng lúc (trọn gói) sẽ được giảm giá hay ở Singapore, các địa điểm du lịch vườn chim dù nằm ở các quận khác nhau nhưng khi du khách mua vé cùng lúc ở 3 điểm sẽ được giảm giá 30%...
Để những lời hứa cam kết hợp tác không chỉ trên giấy, theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp lữ hành, Tổng cục Du lịch phải đảm nhiệm vai trò "nhạc trưởng" điều khiển, kết nối cũng như hỗ trợ, tạo điều kiện để các địa phương, các doanh nghiệp tham gia nhiều hơn nữa các đoàn khảo sát thị trường và giới thiệu tiềm năng du lịch của địa phương mình. Sự liên kết cần những nỗ lực chung và quyết tâm từ các địa phương, sự vào cuộc của doanh nghiệp cùng làm du lịch để lợi ích sẽ tăng và được chia đều cho các bên, góp phần cho nền du lịch nước nhà phát triển bền vững.