Nghề làm nón Tày ở Định Hóa

10:30, 12/08/2011

Từ khi còn ngồi ghế nhà trường mỗi khi đọc hai câu thơ trong bài thơ Việt Bắc của Nhà thơ Tố Hữu “Mùa xuân mơ nở trắng rừng/ Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang” tôi vẫn không hiểu vì sao “người đan nón” lại “chuốt từng sợi giang". Cho đến hôm nay, khi đã lớn và được đi nhiều nơi trên mảnh đất tổ quốc Việt Nam này và trở về quê hương thì tôi mới nghiệm ra ý nghĩa của hai câu thơ ấy.

Nói là nghề đan nón nhưng thực ra nó chỉ mới trở thành “nghề” và là “nghề” của một số người đã qua cái tuổi ngũ, lục tuần. Công việc này đòi hỏi sự tỉ mẩn và chau chuốt của người làm ra nón. Nói là nón Tày vì đây là loại nón do người Tày làm ra. Loại nón này chỉ có ở cộng đồng người Tày vùng Đông Bắc. Trước đây, các em gái người Tày từ nhỏ đã phải học cách đan lát và không thể không học cách làm nón. Ngoại tôi thường bảo “Chỉ cần nhìn chiếc nón là biết tính cách của người làm ra nó”. 

 

Để làm được một chiếc nón, người làm nón phải vào rừng chọn những cây giang bánh tẻ mọc được một năm, có đốt dài khoảng 60cm trở lên, không bị sâu bệnh, không bị cụt ngọn và tốt nhất lấy giang vào mùa sương giáng (sau ngày Đông chí) để đan nón. Ngoại bảo “Mùa này hanh khô, cây ít nước cho nên nan ít bị co ngót và cũng ít bị mọt hơn”. Lên rừng cọ chọn những lá cọ bánh tẻ, bị cớm nắng để làm nón, đem về hong qua lửa phần cuống, khoét phần thịt bên trong chỉ để phần vỏ cứng bên trên, đem phơi 2 ngày nắng, 3 đêm sương rồi cất vào nơi thoáng mát. Chọn những cây tre đực già, đem về vót mịn thành vành như vành ngoài của nón người Kinh, cất lên gác bếp để bồ hóng bám vào vừa không bị mối mọt vừa thành màu đen đặc trưng cho vành trong của nón. Lại phải chọn những cây guột dài, to đem về bổ một đường thẳng dọc thân, khéo léo rút ruột để lấy vỏ làm vành ngoài của nón. Lên rừng lấy bẹ móc để lấy sợi móc làm chỉ.

 

Giang sau khi đem về phải cạo vỏ xanh, nhét phần lớp vỏ cạo đó vào hai đầu và cho lên gác bếp để khi có thời gian rảnh rỗi như mùa xuân thì đem xuống chẻ nhỏ, chuốt thành sợi nhỏ như que tăm để đan nón. Kỹ thuật đan nón là kỹ thuật đan mắt cáo, tức là đan 3 đôi lạt lại với nhau tạo thành hình lục giác, cứ như vậy đan thành hình bên trên của nón, đan được khoảng 20 cm thì tạo vành (lên vành), mỗi vành cách nhau khoảng 1cm. Lên vành nón đầu tiên là bước khó nhất của người đan nón vì ngoại bảo “Lên vành đầu tiên có tròn thì nón mới tròn”. Sau khi lên vành được khoảng 16 - 18 vành thì gập lại cài các sợi nan ngược trở lại cho chắc, cài phần đuôi lạt ra ngoài. Nếu là nón đi chơi, đi hội thì các bà, các chị thường thêu trang trí bằng chỉ ngũ sắc hình bông hoa, con bướm, ngôi sao… lên phần khung của nón rồi mới lợp lá cọ. Dùng chỉ khâu (chỉ là sợi móc) cố định vành trong của nón lại.

 

Lá cọ lợp hai lượt, một lượt trong cắt khoảng 2,5cm (tính từ cuống), lợp phần gân vào bên trong. Lớp thứ hai để cuống ghép hai phần cuống của lá cọ với nhau sao cho vừa khít, phần gân quay ra ngoài tạo thành chóp nón. Sau đó gập lá cọ ngược trở lại bên trong. Lấy vỏ guột bọc phần gập đó lại, lấy kim (chỉ là sợi móc) khâu cố định lại (cứ 1m là một mũi khâu). Dùng dao con thật sắc, cắt sát vỏ guột phần lá thừa. Lấy hai mảnh vải nhỏ dài khoảng 10 cm, khâu vào vành nón để làm tai nón. Lấy vải hoa đẹp, thổ cẩm có khi chỉ là chiếc lạt giang làm quai nón.

 

Chiếc nón hoàn thành nhìn từ bên ngoài như mũ một chiếc nấm, nổi bật bên trên màu trắng ngà của lá cọ là vành nón màu đen của vỏ guột tạo thành một hình khối hài hòa màu sắc. Bên trong nón là những họa tiết bông hoa, con bướm, ngôi sao…của chỉ ngũ sắc nổi bật trên nền những ô nan hình lục giác màu trắng ngà, tạo nên một bức tranh đầy màu sắc của phần bên trong nón.

 

Chiếc nón Tày là vật không thể thiếu trong cuộc sống người Tày, nó không chỉ là một vật che mưa, che nắng mà nó đã trở thành nét văn hóa đặc trưng trong phong tục của người Tày. Khi cô dâu về nhà chồng, ngoài những lễ vật mang theo như chăn màn, chậu chiếu còn có chiếc nón Tày xinh xinh đem theo. Ngoại tôi nói “Chiếc nón còn là vật để trao duyên của người con gái với người con trai”. Trước đây, khi người con gái đã “ưng bụng” người con trai thì làm nón đem tặng với ngụ ý “muốn chăm sóc” người con trai đến “đầu bạc, răng long”.

 

Ngày nay, việc đan nón đã trở nên mai một, phong tục  đội nón Tày của người Tày cũng không còn phổ biến như trước đây. Do nhiều nguyên nhân như: việc đi lại bằng xe máy, chiếc nón Tày không còn phù hợp với văn hóa giao thông hiện tại; trẻ em gái không còn thời gian học đan lát do phải học nhiều… Tuy nhiên, trong lao động đồng áng hay đi rừng thì nón Tày vẫn là sự lựa chọn của người Tày vì như lời chị Ma Thị Duyên (dân tộc Tày  - Đồng Chùa - TT Chợ Chu) nói: “Đội nón Tày trời nắng thì mát, trời mưa không bị dột. Một chiếc nón Tày có độ bền gấp 2, 3 lần nón của người Kinh”. Thế nên, cho dù trong một khoảng thời gian, chiếc nón của người Kinh đã gần như thay thế chiếc nón của người Tày trong lao động, sản xuất và cả trong tục cưới xin thì cho đến hiện nay, những ưu điểm của nón Tày, đã được người Tày nhận ra và đang có xu hướng được khôi phục lại trở thành một nghề cho những mé, bà đã biết đan nón kiếm thêm thu nhập với mức giá từ 35.000đ - 50.000đ/chiếc, thậm chí có những chiếc nón cầu kỳ làm theo đơn đặt hàng có giá từ 100.000 - 150.000 đồng/chiếc../.