Người giữ hồn nón cổ

09:52, 01/08/2011

Đã 24 năm, ông Phạm Trần Canh âm thầm trao luyện nghề làm nón quai thao, nhưng mấy ai biết được người thương binh hạng 2/4 ấy đã có những tháng ngày vật lộn vượt lên tật bệnh để giữ nghề tổ ra sao. Hiện ông là nghệ nhân làm nón cổ làng Chuông duy nhất còn lại của Thôn Mã Kiều, Phương Trung, Thanh Oai, Hà Nội (Hà Tây).

 

Ông Phạm Trần Canh sinh vào đúng mùa giáp hạt giêng hai năm 1931 ở thôn Mã Kiều, xã Phương Chung, Thanh Oai, tỉnh Hà Tây. Lọt lòng mẹ, ông đã mang một nỗi côi cút bất hạnh vì sinh ra không biết mặt cha...

 

Đến năm 10 tuổi, ông được người ta giới thiệu cho đi ở cho quan Pháp, quan Nhật. Gần chục năm đi ở đợ, lần lượt ở với 24 chủ, phận tôi đòi đã khiến ông nhận thấy sự bất bình đẳng trong xã hội, giữa một đời sống xa hoa của đế quốc phong kiến và sự khánh kiệt, lầm than của đa số dân chúng nghèo khó. Nghịch cảnh ấy gieo vào lòng chàng thanh niên gầy guộc lòng yêu nước, khao khát quyết chí quét sạch quân thù. Và tình yêu đấy cứ lớn thêm trong ông mỗi ngày, như một ngọn lửa ấm thầm cháy.

 

Cũng từ ấy ông bắt đầu đứng vào hàng ngũ tổ chức chiến đấu của những người cộng sản. Trong những năm tháng lầm than kiếp người dân nô lệ, ông đã rèn luyện cho mình một vốn tiếng Nhật, tiếng Pháp kha khá, nhờ đó, khi ông bắt được liên lạc với tổ chức kháng chiến Vệ Quốc Đoàn, cấp trên đã giao cho ông làm nhiệm vụ trinh sát, dẫn đường vào tận hang ổ, nơi trụ sở chỉ huy và không ít lần trừ khử nhiều tên quan Pháp ngay tại gia tư của chúng, đem lại niềm tin thắng lợi vào cách mạng cho nhân dân. Đầu năm 1946, ông chính thức trở thành chiến sĩ Đại đội 27, Tiểu đoàn Đống Đa, thuộc trung đoàn 28, sư đoàn 320, khi vừa tròn 15 tuổi.

 

Đầu năm 1950, đúng vào lúc sự nghiệp hoạt động cách mạng đang tiến triển tốt đẹp thì ông bị mật thám chỉ điểm và bị giặc Pháp bắt giam tại nhà tù Hỏa Lò. Mặc dù kẻ thù tra khảo rất dã man, nhưng vẫn không làm lung lạc ý chí cách mạng của ông. Sau đó, ông tổ chức anh em vượt ngục. Hai tháng sau, ông bị bắt trở lại. Lần này, chúng đưa ông ra Căng An trí 41. Tại đây, ông đã tổ chức cùng 96 đồng chí vượt ngục trở về bắt liên lạc lạc tiếp tục chiến đấu.

 

Cuối năm 1951, ông Canh đã bị thương và mất một bên chân trong trận càn ở bốt Lạc Đạo. Sau đó, ông được đưa về điều trị tại A4 thuộc Ty thương binh Nghệ An (Thanh Chương-Nghệ An). Trong thời gian nằm điều trị, ông kết duyên với người con gai thùy mị, nết na tên Nguyễn Thị Cẩm. Bà bảo : “Anh đã vì sự nghiệp lớn, vì cách mạng mà hy sinh, đã chiến đấu anh dũng như cha em vậy. Em sẽ là đôi chân, là người lo lắng và bên anh trọn đời”.

 

Trở lại quê hương với thương tật 2/4, ông Canh tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp cách mạng trên quê hương đổi mới, rồi được nhân dân tin yêu, quý mến bầu làm chủ nhiệm hợp tác xã, bí thư chi bộ, rồi Phó Bí thư Đảng ủy xã Phương Chung. Còn bà Cẩm trở thành cô giáo thảo hiền ở trường làng. Thời gian sống tại quê hương, ký ức về nghề làm nón làng Chuông bỗng chốc lại dội về, khiến ông quyết tâm thực hiện việc khôi phục nghề thủ công này.

 

Năm 1997, đột nhiên có một đoàn văn công biểu diễn vốn nghe danh nón làng Chuông có tìm làng đặt nón ba tầm. Thời điểm này, hầu hết các nghệ nhân giỏi kỹ thuật trong làng đều đã mất. Chẳng hiểu sao ông Canh dám mạnh đứng ra dạn nhận đơn đặt hàng. Không có khuôn, không có tài liệu kỹ thuật và thậm chí cũng chưa bao giờ làm nón. Bà Cẩm vợ ông cảm thấy lo lắng thay chồng mình.

 

Ông Canh đã đi khắp các làng trên xóm dưới, những mong tìm lấy một chiếc nón cổ làm mẫu, nhưng nón cổ đã thất truyền. Lục trong trí nhớ, biết được có dạo các thương gia từ Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang về nhận hàng, ông liền khăn gói và bắt đầu một cuộc hành trình đầy gian nan tìm nón cổ.

 

Với một chiếc xe ba-bet-ta, người thương binh một chân đã làm một chuyến lữ hành tìm nón với bao khó khăn, vất vả. Phải mất hơn một tháng thời, ông rong ruổi từ Hưng Yên, Hà Nam, cho đến Bắc Ninh, Bắc Giang , Thái Bình… cuối cùng ông cũng tìm được một chiếc nón quai thao cổ.

 

Ông tháo tung toàn bộ chiếc nón mẫu, cố gắng nhớ từng chi tiết kỹ thuật, từng công đoạn, nào là ghép lá, lợp lá, cách vào vành, móc khâu… Ký ức của cậu bé 9 tuổi khi xưa ngồi tuốt lá cho bà đan nón cứ dội về lần lượt đưa ông qua năm công đoạn từ việc làm lá, vào khuôn, lợp lá vòng trong và ngoài, khâu nức… Dần dần, dưới bàn tay của người thương binh Phạm Trần Canh, nón quai thao cổ truyền làng Chuông đã được phục hồi.

 

Không dừng lại ở đó, ông Canh tiếp tục tìm hiểu và khôi phục thành công nhiều kiểu nón khác. Đó là hình ảnh của 11 kiểu nón cổ và cách điệu hóa đã phần nào nói lên nỗ lực không biết mệt mỏi của ông. Từ nón dâu, nón cụt, nón ba tầm, nón chân tượng, nón lòng chảo, mỗi loại đều đa dạng về kích thước từ những chiếc 25 cm cho đến chiếc nón kỷ lục có chiếc dài 2m.

 

Trong đó, đôi nón quai thao có kích thước 2m được ông làm vào năm 2001. theo đơn đặt hàng của khách sạn Liên Hoa nhằm đem sang dự hội nghị triển lãm đồ thủ công mỹ nghệ tại thủ đô Pra-ha (Cộng hòa Séc) và Bec-lin (Đức). Ông bảo, vì chiếc nón quá lớn nên không dùng khuôn được. Riêng chu vi của nón đã có thể lên tới 7m, ông mua tre và nhờ người uốn giúp. Sau đó, ông treo nón lên xà nhà lớn, hai ông bà, mỗi người một đầu, ông khâu thì bà đón kim. Cứ thế miệt mài khâu trong 20 ngày thì 2 chiếc nón hoàn thành.

 

Tiền thưởng cho chiếc nón có đường kính kỷ lục đó là 1,3 triệu đồng, ông đem cho 6 đứa cháu của mình hết ba trăm nghìn. Số còn lại ông nhờ bà mang sang ủng hộ cho các cháu thiếu nhi thôn Mã Kiều, để có kinh phí tu sửa phòng học sau ngày bão.

 

Ông tâm sự: “Tuổi thơ của mình không được học, đó là sự thiệt thòi quá lớn, nay chỉ mong sao các cháu đều được đến trường, được học hành đến nơi đến chốn”…