Người lưu giữ hồn quê

08:41, 11/08/2011

Đó là vợ chồng ông Lê Văn Thành (74 tuổi), Âu Thị Phàng (67 tuổi), trú tại xóm Tam Thái, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ).

Ông Thành trước đây là Chánh án Toà án Dân sự tỉnh Bắc Thái (nay là Thái Nguyên). Ông đi công tác từ năm 1967 đến năm 1999 thì nghỉ hưu. Thế hệ ông Thành là đời thứ tám của dân tộc Sán Dìu ở đất Tam Thái và cháu nội ngoại của ông bây giờ là đời thứ mười. Điều này được xác định trong cuốn Người Sán Dìu ở Việt Nam của tác giả Ma Khánh Bằng (Nhà Xuất bản Khoa học và Xã hội ấn hành năm 1983) ngay ở những trang đầu của cuốn sách. Ông bà có 7 người con (4 trai 3 gái), chỉ duy nhất người con trai cả là biết hát Soọng cô.

 

Khi còn nhỏ, ông Thành đã được tiếp cận những câu hát Soọng cô từ cha mẹ, ông bà, bạn bè và những người đồng lứa. Bởi thế nên ông là người thuộc rất nhiều bài hát Soọng cô. Cũng từ câu hát Soọng cô mà ông Thành đã tìm được người bạn tâm giao. Bà Phàng - vợ ông, người ở làng Chàng, xã Tân Lợi, huyện Đồng Hỷ cũng là người hát rất hay. Khi đó, ông lập gia đình khi 23 tuổi còn bà mới 16 tuổi. Nói rồi bà cất tiếng hát, năm nay đã 67 tuổi rồi mà tiếng hát của bà nghe rất trong và thanh. Ông Thành nói: Tìm được người con gái ưng ý chỉ cần qua lời nói, giọng hát. Qua câu hát là có thể biết con người đó là tốt hay xấu. Chính vì bà hát hay nên ông đã phải mất 6 năm trời đi hát mới lấy được bà. Lập gia đình rồi, bà cũng chẳng còn đi hát, chỉ chuyên tâm lo cho chồng con.

 

Nhớ lại thời trẻ, bà Phàng kể với giọng tự hào: Đợt đi hát dài nhất của tôi là vào năm 1959. Cuộc đi hát ở xã Đạo Trù, tỉnh Vĩnh Phúc lúc đó có lẽ với tôi đó là kỷ lục: kéo dài 11 ngày, đoàn gồm 1 người già, cùng đi có 4-5 đứa con gái,  mỗi xóm ở lại hát 1-2 tối, xong lại đưa sang xóm kia, bạn đưa bạn đi, xóm cuối lại được mấy chục người. Bài hát đầu tiên phải mời trầu nhà chủ, khi người già cho phép thì mới được ra. Mỗi lần hỏi phải hỏi bằng bài hát, uống nước cũng phải hát, ăn trầu cũng phải hát, có quy định hỏi chỗ ngồi, mời hát riêng.

 

Ông Thành cho hay: So với các bài hát ở Thái Nguyên thì ở Vĩnh Phúc hay Quảng Ninh thì có khác đôi ba từ, giọng thì giống nhau, ví dụ cái chén ở Quảng Ninh gọi là boi ở đây gọi chông; cái ấm ở Quảng Ninh gọi là pheng, thì Thái Nguyên vẫn gọi là ấm. Trước đây ông cũng có những cuốn vở chép những lời hát Soọng cô. Những năm 1966, bom Mỹ bắn phá miền Bắc, nhà ông bị cháy nên những cuốn sổ ghi chép ấy cũng bị cháy cùng ngôi nhà. Sau đó, năm 1967 ông cũng ghi chép lại và bây giờ trong cuốn sổ này có 84 bài. Xem qua cuốn sổ ông ghi chép lại những lời bài hát cô, trong đó có những bài hát đám cưới, bài hát của trẻ em, bài hát chúc tổ tiên, người già, những người hàng xóm và đặc biệt trong đó có 44 bài mà theo ông gọi đó là nhóm bài hát “giang hồ”. Với người Sán Dìu, nếu thuộc 44 bài này trong đó đặc biệt có 24 chữ cái thì đều có thể vận dụng được hết mọi điều. Chẳng hạn như máy bay bay qua, tên lửa bay lên, máy bay rơi xuống đều có thể vận vào làm thơ được. Ngoài ra trong sách còn có những câu hát về làm ruộng, dạy cách làm ăn; hoặc 12 tháng trong năm ứng với từng con vật như  hùm, thỏ, rồng, rắn, ngựa…. Dựa vào đó mà người dân biết tính thời vụ, là tháng có mưa hay không có mưa. Hay những bài hát về trẻ con như bài “Con gà con”.

 

Con gà con cộc đuôi

Chị có câu hát không dạy em

Em có con cáo

Bắt con gà con của chị

    

Ông Thành bảo: Tình người Sán Dìu đối với nhau sâu sắc lắm, không mô tả được. Trong suốt thời gian tôi công tác ở Toà án, thì những vụ ly hôn của người Sán Dìu rất ít bởi nếu có thì những câu hát giao duyên năm xưa đã khiến họ nghĩ lại và quay về với niềm yêu thương xưa. Với người Sán Dìu, một chữ cũng là thân. Khi đến nhà người Sán Dìu, đến giờ ăn cơm là có cơm ăn chứ không phải báo cơm thì cũng có chai rượu để đó rồi, dù cơm cà, cơm muối cũng ăn bởi họ nói rằng người Sán Dìu cùng chung một tiếng nói, không phải mua cơm mất một đồng nào.

 

Nguyện vọng của ông bà Thành - Phàng là truyền dạy cho lớp trẻ những câu hát của dân tộc mình. Tam Thái giờ mới thành lập được câu lạc bộ hát Soọng cô mà bà Phàng là người có kinh nghiệm và giọng hát hay, là Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ, cũng là người trực tiếp truyền dạy. Bà bảo: Bây giờ chúng tôi đã dạy được cho 5 đôi trẻ. Và từ khi Câu lạc bộ được thành lập đến nay, cứ tối thứ Bảy và Chủ nhật, trong khoảng thời gian từ 8 đến 10 giờ, cứ ai thích thì ra đây chúng tôi đều dạy. Dạy hát cũng hoàn toàn tự nguyện, chúng tôi sợ nếu không dạy thì bản sắc dân tộc sẽ bị mai một.