Ngôi đền xưa được xây dựng vào cuối thế kỷ 18, rộng khoảng 168 m2, nằm ở khu vực phía bắc Di tích Trường Lũy, huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi.
Ngày 17/8, Viện Khảo cổ học kết hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi tổ chức báo cáo kết quả bước đầu khai quật và nghiên cứu khảo cổ học khu vực phía bắc Di tích Trường Lũy ở huyện Trà Bồng.
Từ đầu năm 2011, Viện Khảo cổ học, qua khảo sát sơ bộ đã tiến hành thực hiện khai quật khảo cổ học tại Trường Lũy, xây dựng hồ sơ khoa học và đề xuất bảo tồn nhằm phát huy giá trị Trường Lũy Quảng Ngãi - Bình Định.
Các nhà khảo cổ của Viện Khảo cổ học đã chọn khu vực vùng phía Bắc của Trường Lũy, cụ thể là di tích Gò Đình, Trà Bồng, Quảng Ngãi để tiến hành một cuộc khai quật và nhiều cuộc điều tra, thám sát tại những loại hình di tích khác nhau như phế tích kiến trúc.
Kết quả, các nhà nghiên cứu đã phát hiện dấu tích một ngôi đền xưa được xây dựng vào cuối thế kỷ 18, rộng khoảng 168 m2 và nhiều hiện vật khác như gốm sứ, mảnh gạch, ngói âm dương.
Tiến sỹ Nguyễn Tiến Đông, Viện khảo học cho biết: “Sự có mặt của nhiều dòng gốm, đặc biệt là gốm Trung Hoa như gốm Đức Hóa, Phúc Kiến, gốm Móng Cái, gốm Hải Dương, gốm miền Nam như Biên Hoà, Lái Thiêu… tại di tích cho thấy một thị trường buôn bán rất sôi động tại khu vực này trong giai đoạn thế kỷ XVIII-XIX. Đồng thời một lần nữa khẳng định Trường Lũy không chỉ từng làm nhiệm vụ quân sự mà còn làm nhiệm vụ kiểm soát, thúc đẩy việc giao thương giữa hai miền Kinh - Thượng”.
Trường Lũy là một di tích kiến trúc, bao gồm các yếu tố: Thành lũy - đồn (bảo) - đường cổ, có giá trị văn hóa đặc biệt, là công trình kiến trúc dài nhất Đông Nam Á, đa dạng về chất liệu, có cấu trúc độc đáo, là biểu tượng cho công sức lao động và sáng tạo của nhân dân trải qua nhiều thời kỳ lịch sử.
Theo các bộ chính sử của triều Nguyễn như Đại Nam thực lục, Quốc triều chính biên toát yếu, Đại Nam nhất thống chí, Đồng Khánh địa dư chí….thì Trường Lũy dài 117 dặm, 115 bảo, mỗi bảo có khoảng 10 lính canh gác, nhằm kiểm soát việc qua lại và giao thương giữa hai vùng.
Hiện nay, sau khi đi khảo sát và nghiên cứu toàn bộ tuyến lũy trong nhiều năm, các nhà nghiên cứu đã xác định được 127,4km Trường Lũy.
Trường Lũy chạy dài gần hết chân dãy Trường Sơn đông thuộc địa phận Quảng Ngãi. Ở một số nơi, lũy vắt lên cả sườn đồi. Chỗ bằng phẳng lũy chủ yếu được xây bằng đất, các chỗ dốc thì được gia cố thêm bằng đá, nhưng hầu hết là lũy, bảo xây hoàn toàn bằng đá.
Ở những vị trí quan trọng về quân sự và kinh tế có những đồn lớn có diện tích hàng chục ha. Dọc theo lũy còn có các con đường cổ, hào và có các chợ phiên nằm lân cận.
Di tích Trường Lũy Quảng Ngãi đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận xếp hạng di tích Quốc gia ngày 9/3/2011.