Mường Bi là một trong bốn vùng lớn của tỉnh Hòa Bình (Bi - Vang - Thàng - Động). Người Mường Bi trong quá trình lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc đã xây dựng, bồi tích một nền văn hóa cổ truyền đồ sộ rất đáng tự hào.
Trong đó, Nghi lễ Mo là một hiện tượng văn hóa có tính đặc sắc trong đời sống tinh thần của người Mường. Nghi lễ này hội tụ nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian và nghi lễ, phong tục tập quán, qua đó phản ánh tín ngưỡng dân gian rõ nét của người Mường. Đến nay, nghi lễ Mo vẫn chiếm một vị trí và đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người Mường.
Ở mường Bi, tang ma là một nghi lễ tối quan trọng của một đời người. Phải làm hàng loạt các thủ tục để đoạn tuyệt với thế giới người sống và gia nhập vào thế giới người chết. Mo kiện trong tang lễ cổ truyền cũng là một điển hình về sự sáng tạo trong mo
Tang lễ cổ truyền của người mường Bi có thể nói là một hệ thống các nghi lễ diễn ra trong 12 ngày đêm nhằm mục đích làm cho linh hồn người quá cố đoạn tuyệt với thế giới người sống và gia nhập vào thế giới người chết. Tang lễ bao gồm nhiều lễ thức chứa đựng trong đó nhiều sinh hoạt văn hóa có giá trị tinh thần cao. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, cố Thạc sĩ Tô Đông Hải đã nhận xét: “Đám hiếu ở Mường Bi - điểm hội tụ của văn hóa dân gian mang tính nhân bản sâu sắc”.
Người Mường.
Một việc quan trọng nhất của tang lễ ở Mường Bi là phải dẫn dắt điều khiển được linh hồn người quá cố thực hiện các thủ tục của tang lễ. Người Mường Bi có quan niệm khi con người mất đi, lúc chưa làm đám tang và trong lúc làm đám tang họ không còn là người trần và cũng chưa phải là ma; tuy nhiên, họ có những sức mạnh linh thiêng mà người trần không thể điều khiển hay cầu xin nổi. Việc làm cho linh hồn người quá cố nghe theo để thực hiện những nghi lễ của tang ma chỉ có thể là ông Mo cậy nhờ vào quyền năng của “nổ” mới có thể làm được việc đó, vì vậy ông Mo được coi là linh hồn của đám tang ở mường Bi.
Một nghi lễ quan trọng để bắt linh hồn nghe theo ông Mo gọi là lễ Đạp ma hay còn gọi là lễ Dậm bước. Lễ Đạp ma được tiến hành như sau: Sau khi mo bài mo Thiển Thẳn (Bài mo kể về sức mạnh của ông Mo và sức mạnh của túi Khót), ông Mo không dừng lại mà mo tiếp đoạn mo Đạp ma. Hành động đạp như sau: Ông Mo mo đoạn mo trên ở vị trí cạnh chỗ nằm của người quá cố trong tư thế tay phải giữ chiếc gươm vác trên vai, tay trái cầm quạt phe phẩy ngang trên bụng mình, chân đứng như bình thường nhưng ngón chân cái của bàn chân phải đeo một chiếc vòng chuôi dao. Khi chấm dứt đoạn mo trên ông hú một tiếng, gọi tên người quá cố một lần rồi co chân phải lên dậm mạnh xuống sàn nhà rồi lấy gót chân phải làm tâm điểm, xoay bàn chân phải chếch sang khoảng 60º - 70º.
Khu mộ đá Đống Thếch ở Kim Bôi, Hòa Bình, tương truyền là nơi chôn cất các quan lang người Mường.
Sau lễ Đạp ma thì linh hồn người quá cố tuân thủ theo sự dẫn dắt điều khiển của ông Mo để thụ lễ.
Trong 12 ngày đêm của nghi lễ, mỗi một bữa trưa và bữa chiều của từng ngày đều có lễ dâng ăn uống.
Việc mo trong tang lễ thực chất là nhằm thuyết phục, hướng dẫn linh hồn người chết “thực thi” các nghi lễ như vừa kể trên hoàn toàn bằng lời mo. Nếu như mo sai, thì hồn không thể “thực thi” được nghi lễ, không hoàn tất được các thủ tục, sẽ rơi vào tình trạng luẩn quẩn; hồn không thể đoạn tuyệt với thế giới người sống mà cũng không thể gia nhập vào thế giới người chết. Nếu như vậy, linh hồn người chết sẽ quay về quấy phá, hành tội con cháu trong nhà.
Qua những nghi thức tang ma nói trên, người Mường muốn những thế hệ tiếp nối của cộng đồng vượt qua những tổn thất do một thành viên của cộng đồng đã phải ra đi vĩnh viễn. Đồng thời thêm gắn bó với quê hương và gìn giữ những kỉ cương, tập tục đã giúp cộng đồng họ trường tồn và phát triển.