Vu Lan trong lòng người dân Việt

11:38, 14/08/2011

Đối với người Việt Nam, đạo hiếu luôn là điều quan trọng của một con người. Chính vì vậy, việc thờ cúng tổ tiên hay những người đã khuất luôn được người Việt chú ý và coi trọng.

   Lễ Vu lan là ngày báo hiếu của con cái đối với các bậc sinh thành. Với những người không còn cha mẹ trên cõi đời, họ cầu nguyện cho cha mẹ mình được thanh thản, vui vẻ nơi chín suối.

 

Lên chùa tìm sự bình an và giải thoát

 

Ngày lễ Vu Lan gắn với truyền thuyết về Bồ Tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ khỏi kiếp ngạ quỷ bằng cách nghe theo lời dạy của Phật rằng phải hợp cùng các chư tăng sắm sửa đồ cúng lễ vào ngày rằm tháng 7. Bồ Tát đã thành công trong việc cứu mẹ mình, do vậy ngày rằm tháng tháng 7 còn được gọi là ngày “Đại lễ báo hiếu”.

 

Có lẽ vì đó mà trong những ngày này, từ 11 - 15/7 (âm lịch) tại các chùa đều rất đông các phật tử tới cầu nguyện cho cha mẹ, tổ tiên, ông bà hay người trong gia đình đã khuất.

 

Anh Nguyễn Văn An, Hai Bà Trưng, Hà Nội chia sẻ, năm nào cũng vậy, anh đến chùa để cầu cho những người đã mất trong nhà được giải thoát không phải vướng bận việc trần. Đồng thời, tự mình cũng muốn tìm sự bình yên và thanh thản nơi cửa Phật.

 

Còn với chị Nguyễn Thị Ánh, Trương Định, Hà Nội thì lễ Vu Lan không chỉ là dịp để mọi người bày tỏ tấm lòng thành kính đối với tổ tiên, người đã khuất,mà còn là ngày để bày tỏ tình cảm, sự yêu thương với người còn sống, những người có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn… Với chị Ánh, lên chùa những ngày này cũng là tìm đến sự bình yên và cầu mong được “giải thoát” không chỉ cho người đã khuất mà cho cả chính bản thân khỏi nhưng yếu hèn, tội lỗi, cám dỗ… trong cuộc sống thường ngày.

 

Thượng toạ Thích Thanh Nhiễu – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, lễ Vu Lan được chùa Quán Sứ tổ chức trong 3 ngày từ 11 – 13/7 (âm lịch) với rất nhiều khoá lễ kéo dài từ sáng sớm cho tới chiều tối. Các khoá lễ được tổ chức để tỏ lòng biết ơn đến Đức Phật, báo hiếu cha mẹ, cầu siêu cho các anh hùng liệt sỹ, những người có công với nước…

 

Cũng theo Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu, ngày rằm tháng 7 không nằm ở mâm cao cỗ đầy mà ở thái độ và lương tâm của mỗi con người. Mỗi nơi, mỗi nhà một khác, nhưng giống nhau ở tấm lòng thành, hướng về cội nguồn thể hiện truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam.

 

Bên cạnh đó, các chùa như: Trấn Quốc, Vạn Niên, Tảo Sách… cũng đều đồng loạt tổ chức các khóa lễ cầu an, cầu siêu… cho những vong linh đã khuất và cho cả những “vong hồn lang thang”…

 

Mỗi người một cách báo hiếu

 

Đối với người Việt Nam, đạo hiếu luôn là điều quan trọng của một con người. Chính vì vậy, việc thờ cúng tổ tiên hay những người đã khuất luôn được người Việt chú ý và coi trọng. Bởi điều đó phần nào thể hiện được tấm lòng của người còn sống với người đã khuất, đạo lý “uống nước thì phải nhờ nguồn” của dân ta.

 

Đặc biệt, ngày rằm tháng 7 - ngày “xá tội vong nhân” hay lễ Vu Lan luôn được các gia đình người Việt “sắm sửa” một cách cẩn thận từ mâm cơm cúng cho tới đồ mã... Nhưng không phải nhà nào cũng giống nhà nào.

 

Bà Đỗ Thu Minh, 60 tuổi, ở Quang Trung, Hà Nội cho biết, việc thờ cúng tổ tiên, ông bà hay những người đã khuất luôn là một điều tốt. Nó thể hiện tấm lòng hướng về cội nguồn, tổ tiên của ngưởi Việt. Tuy nhiên, việc thờ cũng là cái tâm của mình, không phải mâm cao cỗ đầy, đồ đắt tiền... mới tốt. Nếu mình có tâm, thì một mâm cơm đơn giản cùng chút vàng mã cũng đủ. Điều quan trọng là những việc trước kia mình hối tiếc không làm, bây giờ không còn cơ hội thì “xin người đã khuất xá tội”. Cần nhất là tâm hồn mình được thanh thản, yên ổn.

 

Đó cũng lã suy nghĩ của bà Vũ Bảo Trâm, 63 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội, ngày lễ “xá tội vong nhân” là để cho con cháu thể hiện cái tâm của mình với những người đã mất trong nhà. Có thể lên chùa, cũng có thể làm lễ cúng ở nhà vì quan trọng không phải là hình thức mà là thành ý của mình. Mâm cúng thế nào là do mình sắp xếp, cũng chỉ cần đốt một ít tiền vàng.

 

 

Những đồng đô la "âm phủ" này liệu có tới được với "chủ" sau khi hoá đi

 

Thường các ngày giỗ, giỗ ai thì đốt tiền vàng, quần áo cho người đó nên ngày này cũng không cần. Đơn thuần là cái tâm, nhớ đến tổ tiên, ông bà thì thành tâm cúng lễ.

 

Còn với chị Nguyễn Lan Anh, Tây Hồ, Hà Nội lại suy nghĩ hoàn toàn khác. Với chị báo hiếu đâu phải khi đã mất mới cần thiết và quan trọng. Mà khi cha mẹ, ông bà... còn sống thì điều đó còn ý nghĩa gấp trăm ngàn lần. Được con cái chăm sóc sức khỏe, lo miếng ăn, giấc ngủ... là niềm hạnh phúc vô bờ bến của cha mẹ. Hay niềm vui và hạnh phúc đôi khi rất đơn sơ, có thể là cái nắm tay, có thể là lời nói, lời xin lỗi... cũng thể hiện được chữ “hiếu” của người con với cha mẹ.

 

Mỗi người có một quan điểm, suy nghĩ và cách thể hiện riêng về việc báo hiếu. Tuy nhiên, việc báo hiếu, nhớ về cội nguồn tiên tổ cần nhất là ở tâm mỗi người và không nên lãng phí. Điều quan trọng nhất là thể hiện được tấm lòng của mình đối với cha mẹ, tiên tổ, người đã khuất cũng như còn sống. Không phải cứ đợi đến lễ Vu Lan mới báo hiếu, mà mỗi giây, mỗi phút hay mỗi ngày đều có thể là Vu Lan của bất cứ ai./.