Khách quốc tế tìm đến gian hàng của Việt Nam để chia sẻ những tình cảm tốt đẹp, ca ngợi thành tựu trong công cuộc phát triển của Việt Nam.
81 năm qua, vào mỗi dịp tháng 9 hàng năm, công viên La Courneuve ở ngoại ô thủ đô Paris, Pháp, lại trở thành nơi hội tụ của những người Cộng sản, những người yêu chuộng hòa bình và đấu tranh chống sự bất công trên thế giới. Đã thành thông lệ từ nhiều năm qua, Việt Nam, với báo Nhân dân là đại diện, đã trở thành thành viên tích cực tại Hội báo Nhân đạo. Mỗi lần tham gia, gian hàng Việt Nam đều mang lại những ấn tượng khó quên.
Hội báo Nhân đạo được tổ chức trên diện tích khoảng 70 ha của công viên La Courneuve, lúc nào cũng tràn ngập người, âm thanh và những khẩu hiệu. Giữa hàng trăm gian hàng của nhiều nước và nhiều địa phương của Pháp, gian hàng của Việt Nam luôn nổi bật với hàng lá cờ đỏ sao vàng tung bay. Nhiều bạn bè nước ngoài dễ dàng tìm đến gian hàng Việt Nam chính vì sự nổi bật này, và vì trên tờ bản đồ Hội báo, Ban Tổ chức đã trân trọng đặt tên cho một tuyến đường là “Đại lộ Hồ Chí Minh”.
Đến với gian hàng của Việt Nam trước tiên, bao giờ cũng là những người bạn nước ngoài thủy chung, yêu mến và đấu tranh cho Việt Nam từ rất lâu trong quá khứ. Chị Marie Herbel là một người như vậy. Chị Marie chia sẻ: “Năm 1967, khi mới 12 tuổi, tôi đã tham gia hoạt động đầu tiên hướng tới Việt Nam. Hồi đó, theo sáng kiến của thanh niên Cộng sản Pháp, tôi đã đi bán bánh mỳ và sữa chua để quyên tiền cho 1 chuyến tàu tới Việt Nam. Tôi đến với phong trào phản chiến vì không thể đứng yên trước việc một quốc gia bị xâm lược”.
Ông Daniel, một người dân sống ở Paris, dừng lại rất lâu trước những cuốn sách viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông Daniel cho biết, ông đã đọc một số cuốn sách bằng tiếng Pháp về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đối với ông, Tướng Giáp là một nhà chiến thuật kiệt xuất, đã giúp Việt Nam giành chiến thắng trong cuộc chiến chống thực dân.
Cũng bởi tôn trọng những người giải phóng Việt Nam mà trong chuyến thăm Việt Nam gần đây nhất, ông Daniel giành rất nhiều thời gian để tìm kiếm một chiếc mũ cối màu trắng, chiếc mũ mà ông thấy nhiều nhà cách mạng Việt Nam vẫn đội trong quá khứ.
Còn bà Denise, đến từ ngoại ô thủ đô Paris, cho biết bà đã rất nhiều lần tham gia Hội báo Nhân đạo và lần nào cũng vậy, gian hàng Việt Nam luôn là một trong những nơi đầu tiên mà bà ghé thăm. Lần ghé thăm gian hàng Việt Nam này, bà Denise chọn được một chiếc áo có thêu hoa thủ công rất đẹp, để thay thế cho chiếc áo đã cũ mà bà đang mặc. Ngoài việc mua được món hàng ưng ý, bà Denise còn cảm thấy vui vì được sống lại những hình ảnh của Việt Nam, đất nước tươi đẹp mà bà từng có dịp thăm quan.
Bà Denise bày tỏ: “Nếu có nơi nào đó mà tôi muốn quay trở lại, chắc chắn là Việt Nam. Đúng là có nhiều người đi du lịch để thăm quan các công trình lịch sử, điểm du lịch. Tôi cũng vậy, nhưng đối với tôi, điều gây ấn tượng nhiều hơn là sự đón tiếp của người dân. Tôi nhớ có những lần dạo bộ, có những người già tiến về phía tôi và nói bằng tiếng Pháp. Đó là những khoảnh khắc mà tôi cảm thấy rất dễ chịu”.
Cũng giống nhiều kỳ Hội báo trước đây, khu ẩm thực Việt Nam tiếp tục thu hút rất nhiều thực khách. Nem, chả, cơm Việt Nam... luôn là những món ăn được bạn bè nước ngoài lựa chọn nhiều nhất. Ấn tượng với nhiều người Việt Nam và cả người nước ngoài là trong số những người làm nên những món ăn Việt Nam ấy, có nhiều thanh niên Pháp là bạn bè của thế hệ người Việt Nam trẻ tại Pháp. Họ đến với gian hàng Việt Nam không chỉ để hiểu Việt Nam hơn mà còn góp phần giới thiệu văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Trong 3 ngày diễn ra Hội báo, gian trưng bày Việt Nam còn là điểm đến của nhiều nhà chính trị, sử học, kinh tế người Pháp. Họ là những người hiểu biết về Việt Nam, đến để chia sẻ về những thành tựu trong công cuộc phát triển của Việt Nam và hy vọng với những điều kỳ diệu làm được trong quá khứ, Việt Nam cũng có thể chung tay đối phó với những thách thức mới của thế giới ngày nay./.