“Điều còn mãi” - Âm nhạc tôn vinh tự hào dân tộc

08:41, 03/09/2011

Chương trình hòa nhạc đặc biệt “Điều còn mãi” nhân dịp Quốc khánh đã diễn ra đúng ngày 2/9 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Đây là lần thứ 3 chương trình hòa nhạc ý nghĩa đặc biệt này đến với công chúng yêu nhạc đúng dịp Tết Độc lập trọng đại của dân tộc.

 

Mở màn cho “Điều còn mãi” là tiết mục truyền thống "Quốc ca" hùng tráng do Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam trình diễn dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Lê Phi Phi.

 

“Điều còn mãi” là chương trình hòa nhạc đặc biệt được cấu trúc từ những tác phẩm âm nhạc đậm chất lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, không chỉ là những tác phẩm khí nhạc đỉnh cao mà còn có những ca khúc đã rất gần gũi, quen thuộc với công chúng yêu nhạc. Đây là chương trình hòa nhạc thuần Việt với những tác phẩm âm nhạc đỉnh cao của người Việt do các nghệ sỹ hàng đầu biểu diễn.

 

Năm nay, ở phần khí nhạc, ngoài bản concerto cho violon, piano, bộ gõ và dàn dây của Nguyễn Mạnh Duy Linh do Bùi Công Duy biểu diễn cùng dàn nhạc, còn có tác phẩm ngắn viết cho cello “Trở về đất mẹ (Nguyễn Văn Thương), “Hát ru” cho violon và dàn nhạc của nhạc sỹ Hoàng Dương. Phần chuyển thể dân ca Việt Nam năm nay là chuyển soạn từ bài dân ca quan họ Bắc Ninh “Bèo dạt mây trôi do” do nghệ sỹ cello Ngô Hoàng Quân chuyển soạn.

 

Tâm điểm chú ý ở phần khí nhạc phải kể đến bản giao hưởng thơ “Lệ Chi Viên” của nhạc sỹ trẻ Trần Mạnh Hùng. Giao hưởng thơ “Lệ Chi Viên” chỉ có một chương, không dài, không đồ sộ nhưng là sáng tác từ xúc cảm sâu sắc của tác giả với án oan của đại thi hào Nguyễn Trãi - người anh hùng vĩ đại của dân tộc. Tác phẩm này đã chinh phục được khán giả quốc tế bởi sắc màu âm nhạc Việt Nam…

 

Bên cạnh đó, ở phần khí nhạc nữ nghệ sỹ piano cá tính Phó An My cũng cống hiến cho khán giả màn biểu diễn lạ khi kết hợp giữa tiếng đàn piano điêu luyện với lối hát thờ chầu văn trong đạo Mẫu của Việt Nam. Đây là trích đoạn giá đồng thứ 4 trong tác phẩm “Bóng” do chị và nhạc sỹ trẻ Tuệ Nguyên cùng thực hiện.

 

Phần thanh nhạc có phần hợp xướng và ca khúc nghệ thuật. Phần ca khúc nghệ thuật có 6 ca khúc từ thời kỳ tiền chiến, kháng chiến, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, hậu chiến cho tới những ca khúc đương đại. Các tác phẩm này đều được nhạc sỹ Trần Mạnh Hùng phối khí để biểu diễn cùng Dàn nhạc giao hưởng. Ngoài những gương mặt tên tuổi hàng đầu như Đăng Dương, Trọng Tấn, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Nguyên Thảo còn có sự tham dự của nữ ca sỹ Hà Phạm Thăng Long. Chị là nghệ sỹ giọng nữ cao của Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam, ngay từ lần đầu tham dự “Điều còn mãi”, chị đã thể hiện rất thành công ca khúc “Ngọc lan”, một sáng tác thời tiền chiến của nhạc sỹ Dương Thiệu Tước.

 

Hai nam ca sỹ đắt giá của dòng nhạc thính phòng và trữ tình cách mạng là Đăng Dương - Trọng Tấn đã cống hiến cho khán giả giọng hát mượt mà, uyển chuyển, sâu lắng trong các ca khúc “Những ánh sao đêm” (Phan Huỳnh Điểu) và “Tình em” (Huy Du, lời thơ Ngọc Sơn). Hai anh cũng giữ trọng trách lĩnh xướng trong các hợp xướng “Việt Nam muôn năm” của nhạc sỹ Hoàng Vân và “Tiếng hát từ thành phố mang tên Người” của nhạc sỹ Cao Việt Bách, phổ thơ Đăng Trung.

 

Nữ ca sỹ Hồng Nhung lại tiếp tục chinh phục khán giả với ca khúc “Hoa sữa” của nhạc sỹ Hồng Đăng. Còn Mỹ Linh hát “Trên đỉnh Phù Vân” của nhạc sỹ Phó Đức Phương. Đây đều là những ca khúc đã góp phần khẳng định tên tuổi của hai giọng ca này trong lòng khán giả yêu nhạc cả nước. Nguyên Thảo, giọng ca nữ đến từ Đà Lạt cũng hát hết mình trong ca khúc “Họa mi hót trong mưa”, sáng tác của nhạc sỹ Dương Thụ.

 

Hợp xướng “Việt Nam quê hương tôi” (Đỗ Nhuận) do các nghệ sỹ biểu diễn cùng dàn hợp xướng Đại học Sư phạm nghệ thuật trung ương, dàn hợp xướng thiếu nhi đã khép lại chương trình hòa nhạc “Điều còn mãi” năm 2011. Chương trình đặc biệt này đã được VTV3, Đài truyền hình Việt Nam tường thuật trực tiếp để công chúng yêu âm nhạc cả nước cùng thưởng thức.