Múa đương đại "Châu Âu gặp Việt Nam": Giao hòa Đông Tây

09:42, 01/09/2011

Các nghệ sĩ của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Đức, Bỉ đang gấp rút tập luyện cho chương trình mở màn dự án "Múa đương đại: Châu Âu gặp Việt Nam" tại Nhà hát Tuổi trẻ vào hai tối 8 và 9-9.

Đây là dự án hợp tác nghệ thuật giữa EUNIC - Mạng lưới các tổ chức văn hóa châu Âu  và Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam bắt đầu từ tháng 11-2010, để cùng sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao phục vụ công chúng.

 

NSND Phạm Anh Phương, Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam cho biết, "Múa đương đại - Châu Âu gặp Việt Nam" là một dự án lớn và quan trọng của nhà hát, là nơi giao thoa nghệ thuật đương đại của châu Âu và Việt Nam. Từ đây, nhà hát có thể dàn dựng những tác phẩm đặc sắc và mang đến nghệ thuật múa nước nhà những sắc màu, thẩm mỹ mới. Sự kiện này sẽ tổ chức hằng năm với sự góp mặt của nhiều đơn vị nghệ thuật.

 

Mỗi đêm diễn của chương trình đầu tiên này sẽ đưa khán giả đến những trải nghiệm khác nhau về nghệ thuật múa đương đại: "Mùa đom đóm" hoàn toàn do Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam dàn dựng, biểu diễn; "Cái chết và cô gái" do đạo diễn Đức dàn dựng, diễn viên Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam biểu diễn và "Benedetto Pacifico" là một tác phẩm mới của các nghệ sĩ Bỉ. Trong nghệ thuật múa đương đại, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam rất tự hào về "Mùa đom đóm", vở diễn đã từng giành giải thưởng cao của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam và gây được tiếng vang trong những lần "đem chuông đi đấm xứ người". Dàn dựng bởi nhóm biên đạo trẻ Đức Toàn, Thái Sơn, Cao Chí Thành, Phi Long, "Mùa đom đóm" đưa người xem về khung cảnh  ngày mùa ở làng quê Việt Nam, với tình yêu, khát vọng đầy chất thơ của người lao động. Trong nền nhạc của nhạc sĩ Hồ Hoài Anh, các nghệ sĩ dễ khiến khán giả xúc động với những hình ảnh bình dị ở nông thôn như bó rơm, nón trắng, áo nâu, quần đen…

 

"Cái chết và cô gái" lại là sự hợp tác giữa Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam và Viện Goethe Hà Nội. Biên đạo múa Hans Henning Paar đã quen với các nghệ sĩ Việt Nam khi cùng thực hiện vở "Người đi qua thung lũng" hồi tháng 1 để khép lại chương trình "Năm Đức ở Việt Nam", nên lần này anh chỉ mất 5 tuần để dàn dựng và hướng dẫn thể hiện vở múa. Bằng vũ đạo của nghệ thuật đương đại, các diễn viên sẽ kể câu chuyện về cuộc đấu tranh của cô gái luôn bị thần chết đeo bám. Cô sợ hãi, đau đớn, phản kháng, buông xuôi và cuối cùng là sự giã từ cuộc sống nhẹ nhàng, thanh thản. Những bản nhạc đằm thắm của nhà soạn nhạc Schubert được dùng làm nhạc nền khiến vở múa thêm phần sâu lắng.

 

Ẩn số của chương trình nằm ở phần trình diễn của đoàn múa "Dame de Pic" đến từ Bỉ. "Benedetto Pacifico" lần đầu tiên ra mắt công chúng với phần biên đạo của Karines Ponties, nghệ sĩ Ricardo Machado độc diễn. Lấy hình tượng bù nhìn, Ricardo sẽ dẫn dắt người xem vào thế giới tưởng tượng rất huyền bí một cách sáng tạo, độc đáo.

 

Trước 2 đêm biểu diễn múa trực tiếp, vào các tối 4, 5 và 6-9, Viện Goethe Hà Nội (56-58 Nguyễn Thái Học) chiếu 3 bộ phim về nghệ thuật múa đương đại gồm "Nhịp điệu là thế đấy" theo chân 3 thanh thiếu niên trong 250 người tập luyện, biểu diễn tác phẩm "Le Sacre du Printemps" (Strawinky); một trong những vở múa nổi tiếng nhất của Pina Bausch (1940 -2009) thể hiện trong "Quán cafe Muller" và "Đại lộ của các phi hành gia" (Sasha Waltz đạo diễn) - tác phẩm vũ kịch về một gia đình truyền thống. Các buổi chiếu phim được vào cửa tự do. Vé xem diễn múa được phát tại Viện Goethe Hà Nội từ ngày 5-9.