Về với xã Nga My (Phú Bình) những ngày này, tôi có dịp chứng kiến và cảm nhận niềm vui đón Tết Trung thu của những con người bình dị nơi đây. Cho dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng niềm vui ấy vẫn bừng lên trong mỗi ánh mắt, nụ cười, đầy ấm áp tình người của họ...
Đây cũng là không khí chung của các em thiếu nhi và nhiều người dân ở các xóm: Phú Xuân, Kén, Thái Hòa, Bờ Trực, Quán Chè, Núi Ngọc... Anh Nguyễn Văn Trung, một người dân ở xóm Phú Xuân không giấu nổi niềm vui khi nhớ lại không khí rước đèn và liên hoan phá cỗ trong dịp Trung thu năm ngoái. Khí đó, anh mới là bố của cậu con trai tròn 1 tuổi: “Vui lắm anh ạ! Cả xóm tập trung đi rước đèn rồi tập trung ra nhà văn hóa liên hoan phá cỗ. Cuộc sống gia đình vẫn còn nhiều khó khăn, thu nhập chủ yếu vẫn phụ thuộc vào cây lúa, nhưng không vì thế mà tôi quên đi món quà Trung thu cho cậu con trai của mình. Tôi cũng dự định, trong ngày trăng tròn tháng 8 (Âm lịch) năm nay, sau khi thắp hương tổ tiên, tôi và vợ sẽ đưa con đi tham gia chương trình Trung thu do xóm tổ chức.
Trao đổi với đồng chí Dương Xuân Lại, Bí thư Đảng ủy xã Nga My, chúng tôi được biết, tuy Nga My vẫn là một xã khó khăn, gần 50% trong tổng số 2.215 hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo (theo chuẩn mới), thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 6,5 triệu đồng/năm, 13/26 xóm chưa có nhà văn hóa…, nhưng công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em luôn được Đảng bộ, chính quyền và người dân địa phương đặc biệt quan tâm. Hiện nay, xã đang tập trung chỉ đạo tổ chức tốt các hoạt động vui đón Tết Trung thu trên địa bàn. Những năm gần đây, xã không tổ chức Trung thu tập trung như trước mà giao cho các xóm tự thực hiện. Cách làm này khá hiệu quả, huy động cả cộng đồng cùng chung tay để chuẩn bị vui Trung thu cho các em. Theo kế hoạch được triển khai, tất cả các xóm đều đã xây dựng chương trình rất cụ thể, sát với thực tế, trong đó quyết tâm không để trẻ em nào không có Tết Trung thu. Đối với những xóm chưa có nhà văn hóa, tổ chức đảng, đoàn thể ở các xóm đều cam kết sẽ tổ chức tốt chương trình vui trung thu tại những khu đất rộng hoặc sân của gia đình các hộ dân trong xóm. Được biết, tổng kinh phí hỗ trợ các xóm là trên 22 triệu đồng, trong đó 19 triệu nhận từ dự án Plan. Số tiền này tuy không lớn nhưng có thể đảm bảo số lượng bánh kẹo cho các cháu vui phá cỗ. Chắc chắn đêm trung thu tới đây, khắp các xóm làng sẽ rộn vang lời ca, tiếng hát, củng cố thêm tình làng, nghĩa xóm. Đây cũng là điều được ông Nguyễn Văn Chuyện, Trưởng xóm Núi Ngọc chia sẻ. Ông cho biết, những năm trườc, khi chưa có nhà văn hóa, chúng tôi thường tổ chức Tết Trung thu ở sân nhà tôi, hoặc nhà đồng chí Bí thư chi đoàn. Nhưng năm nay niềm vui Tết trung thu của 75 hộ dân trong xóm như được nhân lên gấp bội khi Nhà văn hóa của chúng tôi mới hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 5-2011, có kinh phí 70 triệu đồng, hoàn toàn do nhân dân đóng góp. Ngoài số tiền hỗ trợ của xã để tổ chức Trung thu, chúng tôi đã vận động mỗi đoàn thể ủng hộ từ 100 đến 150 ngàn đồng để có thêm tiền mua bánh kẹo cho các cháu, đồng thời khuyến khích các gia đình quan tâm tới con em mình. Nhân dịp này, xóm cũng sẽ tặng 15 phần quà nhỏ (1 quyển sổ, 1 chiếc bút) cho 15 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, động viên các em cố gắng vươn lên học tập tốt…
Ở vùng quê nghèo Nga My, Trung thu không chỉ là dịp người lớn quan tâm hơn đến con trẻ, mà còn là dịp để tất cả quây quần, cùng nhau tạo nên một sân chơi ý nghĩa cho các em, giúp tình làng nghĩa xóm thêm gắn kết, bền chặt hơn.