Các nhân vật hoạt hình và biểu trưng Nhật Bản tới Việt Nam

16:18, 06/10/2011

Lần đầu tiên, các bạn đọc Việt Nam được ngắm lại những nhân vật hoạt hình mà mình đã quá thân thuộc trong những cuốn truyện tranh.

Vì sao mà các nhân vật hoạt hình như Thủy thủ Mặt trăng, chú mèo máy Doremon, cô nhóc Maruko hay nhân vật biểu trưng Sentokon, Namisuke… lại trở nên thân thiết với độc giả trên khắp thế giới? Những nhân vật đó có xuất xứ như thế nào? Tương lai của các nhân vật hoạt hình và biểu trưng ra sao?... Tất cả những câu hỏi đó đều được trả lời tại triển lãm “Nhật Bản Vương quốc của những nhân vật biểu trưng và hoạt hình” được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 6/10.

 

Lần đầu tiên, các bạn đọc Việt Nam được ngắm lại những nhân vật hoạt hình mà mình đã quá thân thuộc trong những cuốn truyện tranh. Thông qua những bức tượng, hình nộm hay trình chiếu video, những nhân vật hoạt hình Nhật Bản thể hiện được đầy đủ nét sinh động của nó. Người ta vẫn cho rằng: các nhân vật biểu trưng và hoạt hình được xem là cội rễ của nền tiểu văn hóa của Nhật Bản.

 

Theo Đào Thu Vinh, Triển lãm này rất lạ - lạ về cách bố trí về các vật dụng trưng bày đơn giản và có sự kết nối với nhau. Các hình ảnh xuất hiện dễ thương và gần gũi. Nó đã thể hiện một phần nào đấy nét văn hóa Nhật Bản. Nó liên kết được những hình ảnh hoạt hình với nhau mà từ trong truyện tranh trở nên gần gũi với đời sống thường của Nhật Bản. Qua đây mình cũng hiểu hơn được về người Nhật Bản, về cái mà họ yêu thích, cái mà họ quan tâm, tính cách của họ như thế nào…

 

Với trình tự sắp xếp theo thời gian, từ thập niên 50, 60 đến năm 2000, tương đương với các nhân vật hoạt hình trong từng giai đoạn, Triển lãm giúp khán giả hình dung một cách hệ thống hơn những nhân vật yêu quý của mình mà ngày thường chỉ bắt gặp qua truyện tranh. Không gian trưng bày những bức ảnh, phòng ngủ của một cô bé đã cho chúng ta thấy sự ảnh hưởng của các nhân vật tới cuộc sống hàng ngày. Đơn giản như chú mèo Hello Kity có mặt đầy đủ trên các vật dụng như: cặp sách, dây đeo điện thoại, đồng hồ đeo tay, đồng hồ để bàn, đôi dép, quần áo…

 

Ông Norihiko, Phó Giám đốc Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản cho rằng: “Lý do mà Chính phủ Nhật Bản muốn tạo ra những nhân vật hoạt hình và biểu trưng, thực tế không hẳn là lợi nhuận. Chúng tôi muốn nói rằng: đằng sau những nhân vật biểu trưng và hoạt hình này đều có những ý nghĩa nhất định mà các bạn sau khi tham dự triển lãm này sẽ hiểu hơn được tại sao những nhân vật này lại có ý nghĩa đặc biệt đến như vậy. Người dân Nhật Bản từ bé đến lớn đều rất yêu thích, các bạn sẽ trả lời được câu hỏi tại sao nhưng nhân vật này lại phổ biến tại Nhật Bản và các nước trên thế giới”.

 

Triển lãm mở cửa tự do tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam từ ngày 6 đến 23/10, sau đó triển lãm sẽ đến Bảo tàng Hồ Chí Minh, Huế vào ngày 2 - 13/11, cuối cùng là triển lãm tại TP HCM 25/11 đến 4/12./.